Không chỉ nguồn cung tôm tại Việt Nam ở mức thấp mà trong bốn tháng đầu hàng năm, nguồn cung của các nước sản xuất tôm cũng đều ở mức thấp, thể hiện ở việc:
Mưa lụt ở Ecuador đã ảnh hưởng tới sản lượng và xuất khẩu tôm của nước này trong tháng 2-2017. Nhu cầu tăng mạnh và sản lượng giảm trong tháng 2 khiến giá tôm Ecuador tăng nhẹ so với tháng đầu năm 2017.
Vụ tôm mới tại bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) sẽ bắt đầu thu hoạch vào giữa tháng 3-2017. Trong khi đó, việc thu hoạch tôm ở Orissa và Kolkata được dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4-2017.
Tình hình thiếu tôm nguyên liệu tại Thái Lan khó có thể được cải thiện trước cuối tháng 4-2017. Tôm kích cỡ lớn phải đến tháng 5 và tháng 6-2017 mới bắt đầu thu hoạch và mùa thu hoạch cao điểm diễn ra trong tháng 6 và tháng 7-2017.
Theo dự báo, sản lượng tôm của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 600.000 tấn vào năm 2017. Ngoài ra, vị thế thống trị hoạt động xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc đang dần mất do việc ô nhiễm nguồn đất và nước đang làm giảm nguồn cung nội địa và khả năng xuất khẩu của nước này.
Do mưa lớn có thể xảy ra trong suốt nửa đầu năm 2017, ngành thủy sản Indonesia dự báo sản lượng thủy sản của nước này có thể giảm khoảng 5-10%.
Trang O Globo cho biết, tại Oziana (Brazil), một loại virus đang khiến tôm chết ở các trang trại và đã làm giảm 20% sản lượng tôm trong vụ nuôi năm 2016. Tình hình thiếu hụt tôm có thể trở nên trầm trọng hơn vào vụ cuối, kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 5-2017.
Những phát hiện mới được thu thập từ phía Bắc vùng Vịnh Moreton (Úc) đã cho thấy virus gây bệnh đốm trắng ở tôm đang lây lan rộng hơn. Phòng Nông nghiệp và Thủy sản của bang Queensland cho biết bệnh đốm trắng đang lan rộng sang khu vực gần bán đảo Redcliffe và vịnh Deception.
Nhập khẩu giảm
Nguồn cung tại các nước Ấn Độ, Ecuador ở mức thấp trong quí 1-2017 nên nhập khẩu tôm của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2017 cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tôm của Việt Nam từ Ấn Độ trong hai tháng đầu năm 2017 chiếm tỷ trọng 73,1% về trị giá tuy nhiên đã giảm 6,62% so với cùng kỳ năm 2016. Trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam không nhập khẩu tôm từ Ecuador.
Xuất khẩu cũng giảm
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm từ 1-1 đến 14-3-2017 đạt 38.400 tấn, trị giá 459,32 triệu đô la Mỹ, giảm 7,77% về lượng và 0,62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Trong tốp 4 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thì xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc giảm mạnh lần lượg là 27,26% và 24,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2016; xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc tăng 12,83% và 17,76% về lượng.
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam và vẫn tăng trưởng trong quí 1-2017. Tuy nhiên, từ 1-4-2017, Hàn Quốc sẽ áp dụng việc kiểm dịch gắt gao đối với năm loại bệnh trên mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu. Theo quy định mới của Hàn Quốc, các mặt hàng tôm ướp lạnh, tôm đông lạnh (trừ tôm đã qua chế biến xử lý nhiệt) và các loại thủy sản sống khai thác tự nhiên xuất khẩu sang nước này trước khi thông quan sẽ bắt buộc phải thực hiện lấy mẫu kiểm dịch với tần suất giám sát 10% tổng số lô hàng nhập khẩu. Như vậy, việc xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong khâu kiểm soát an toàn thực phẩm.
Xuất khẩu tôm ở mức thấp trong hai tháng đầu năm do nghỉ lễ và nhu cầu thấp ở các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu tôm thường tăng trở lại vào tháng 3 hàng năm và duy trì mức tăng trưởng chậm từ tháng 3 đến tháng 7. Như vậy, với dự báo mức tăng trưởng chậm về xuất khẩu trong khi nguồn cung vẫn thấp trong vòng hai tháng tới thì giá tôm có thể dao động với biên độ hẹp quanh mức đầu tháng 3.