Gương mặt rầu rĩ, chỉ tay vào hàng chục con tàu đang nằm bờ, ngư dân Nguyễn Việt Đức (chủ tàu QNg - 95645, thôn Tân Mỹ, xã Bình Chánh) thở dài: “Giá mực xuống thấp, chi phí xăng dầu, nhu yếu phẩm trang bị cho mỗi chuyến đi lại tăng lên gấp bội, hàng tháng nay tàu phải nằm bờ vì nếu ra khơi thì chắc chắn gần như lỗ vốn”.
Trước tháng 8.2012, giá mực khô dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg. Xã Bình Chánh hiện có đến 130 chủ tàu làm nghề câu mực. Mực mất giá, chủ tàu không còn mạnh dạn vươn khơi đánh bắt như trước, kéo theo hàng trăm ngư dân cũng cùng chịu chung cám cảnh. Mặc dù đang vào mùa câu mực chính vụ của năm, nhưng đi hết các thôn ở xã Bình Chánh đâu đâu cũng thấy tàu thuyền nằm im bất động.
Ngư dân Phạm Tiến - chủ tàu QNg - 95122, cho biết: Mực rớt giá đã đành, thương lái lại không mấy mặn mà trong việc thu mua, lượng mực lớn còn tồn mấy tháng nay trong kho không bán được. Cứ tình hình này ngư dân chúng tôi chắc phải bán tàu trả nợ.
Nhiều người cải hoán tàu câu mực để chuyển sang hành nghề lưới vây, lưới rút… Ông Nguyễn Đình Thường (43 tuổi, thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh) cho biết: Ngư dân làm nghề câu mực, ai cũng muốn chuyển sang các hình thức đánh bắt khác, nhưng để cải hoán một con tàu sang làm nghề khác, mỗi chủ tàu phải đầu tư cả tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng lại không cho thế chấp tàu để vay vốn, nên chúng tôi khó bề xoay xở.
Ông Trần Quang Tâm -Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết: Giá mực phụ thuộc vào thị thường Trung Quốc, đến khi thị trường này dừng ăn hàng thì ngư dân không biết bán đi đâu. Chúng ta không chế biến mực được mà chủ yếu bán thô, nếu có doanh nghiệp đứng ra thu mua, chế biến trong nước, thì ngư dân đỡ lo đầu ra cho sản phẩm. Trước mắt, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân để họ không bỏ biển, bỏ ngư trường.