Do lo ngại mức thuế bán chống phá giá cá tra cao sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam giảm sản lượng xuất khẩu vào Mỹ nên mấy ngày qua, các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng giá thu mua mặt hàng này. Tuy nhiên, giá thu mua cá tra nguyên liệu trong nước vẫn ở mức thấp...
Giá xuất khẩu tăng 10 - 15%
Ngày 30.3, ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (Agifish) cho biết, công ty vừa ký hợp đồng xuất khẩu 10.000 tấn cá tra sang Mỹ, trị giá 36 triệu USD, sẽ giao hàng trong quý 2 tới. Như vậy giá cá tra xuất khẩu đã tăng lên 3,6 USD/kg. So với thời điểm trước khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam trong đợt xem xét hành chính lần 8 (POR8), thì giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đã tăng lên 12%.
Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (TP.Cần Thơ) cũng xác nhận giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong vài ngày qua đã tăng thêm 0,3 - 0,5 USD/kg so với mức giá trước khi DOC tăng thuế chống bán phá giá, lên mức 3,7 - 3,9 USD/kg.
Theo ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc giá cá tra xuất khẩu tăng cho thấy Mỹ vẫn có nhu cầu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Bởi hiện thị trường Mỹ sắp hết hàng tồn kho, lượng dự trữ phi lê đông lạnh cá da trơn nội địa của Mỹ trong tháng 1 năm nay cũng chỉ đạt 5,45 triệu pao, giảm 14,4% so với tháng trước đó và giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2012.
VASEP nhận định: Bắt đầu từ tháng 4, lượng xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ tăng trở lại. Dự kiến giá cá tra vào thị trường này sẽ còn tăng thêm 0,1 - 0,2 USD/kg vào quý III năm nay khi nguồn cung trong nước thiếu hụt cũng như các loại cá khác bán vào Mỹ đã tăng giá. “Đây là cơ hội để điều chỉnh lại thị trường và nâng giá bán cá tra trên thị trường Mỹ nhằm thoát khỏi thuế chống bán phá giá hoặc ít nhất có được mức thuế thấp trong các kỳ POR tới. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải đấu tranh để chứng minh cho DOC thấy cách tính giá thành POR8 vừa qua là sai” - ông Minh nói.
Nông dân vẫn treo ao
Dù giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu đã tăng nhưng giá cá nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL vẫn giảm mạnh trong tuần vừa qua và hiện vẫn duy trì ở mức thấp. Cụ thể, tại An Giang giá cá tra ngay sau khi DOC công cố mức thuế chống bán phá giá tăng đã giảm còn có 19.000 - 20.000 đồng/kg (tùy loại), giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với một tuần trước đó.
“Hôm qua giá cá có tăng lên chút đỉnh khi doanh nghiệp vào hỏi mua cá nhà tôi với giá 21.000 đồng/kg cá thịt trắng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thế nhưng họ lại mua thiếu phải 1 - 2 tháng sau mới trả tiền. Mua thế thì nông dân lỗ càng thêm lỗ” - ông Nguyễn Hữu Nguyên, người nuôi cá tại huyện Châu Phú, An Giang than vãn. So với giá thành hiện nay là 23.000 đồng/kg thì nông dân đang bị lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Ký cũng cho biết, giá cá tra nguyên liệu công ty ông thu mua ngày 30.3 là 21.500 đồng/kg. Ông khẳng định giá cá tra trong những ngày tới nhất định sẽ tăng lên bởi sản lượng cá tra nuôi năm nay của ĐBSCL đang sụt giảm nghiêm trọng, hơn 40% sản lượng so với năm 2012.
“Nông dân đã nghỉ nuôi, treo ao hơn 90% nên dù sắp tới giá cá tra có tăng lên thì nông dân cũng không được hưởng lợi. Với lại với tình hình thiếu vốn, khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cũng không đủ sức đẩy giá lên cao trong thời gian dài” - ông Nguyễn Văn Kịch - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá.
Anh Nguyễn Văn Hiệp ở huyện Tân Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, anh đã bán 1.200 tấn cá tra từ 2 tháng trước nhưng đến nay doanh nghiệp chỉ mới trả tiền cho anh được 50%. “Tôi chỉ mong đòi xong nợ là từ giã con cá tra luôn, kiếm con cá khác mà nuôi chứ sợ cá tra quá rồi” - anh Hiệp ngao ngán.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT trong báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp quý I/2013, sản lượng cá tra nhiều tỉnh thành của khu vực ĐBSCL đã sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, tại Đồng Tháp sản lượng cá tra nuôi 3 tháng đầu năm ước đạt 53.000 tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỉnh Bến Tre ước chỉ ở mức 18.500 tấn, giảm 48,6%. Sản lượng cá tra tại Cần Thơ ước đạt 12.100 tấn, giảm 33,7% và Tiền Giang chỉ ở mức 6.700 tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Sản lượng giảm chủ yếu tập trung vào đối tượng hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Văn Kịch - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, sắp tới hiệp hội sẽ cùng với các địa phương lập Đề án quy hoạch lại ngành cá tra, tổ chức lại vùng nuôi theo hướng đẩy mạnh chất lượng, an toàn thực phẩm.
Hiệp hội sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng cá tra thành một ngành nuôi có điều kiện. Những hộ nuôi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... mới được cấp giấy phép nuôi. Và doanh nghiệp phải mua cá của những đơn vị có giấy phép này mới được xuất khẩu.