Khó khăn cốt lõi của ngành cá tra không chỉ thể hiện ở giá trị XK sụt giảm, mà còn ngay trong mối quan hệ giữa người nuôi, DN không có sự gắn kết. Hiện nay, tại nhiều ao nuôi của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện tượng người nuôi treo ao xảy ra ngày càng nhiều, vì càng nuôi càng lỗ nặng.
Tự mình làm khó mình
Sở dĩ giá cá tra đang xuống thấp vì DN đua nhau giảm giá chào hàng, VASEP đã từng hướng tới quy định giá cá tra XK phải ở mức tối thiểu 3USD/kg thì DN mới có lãi. Tuy nhiên, lúc thị trường ổn định, DN chỉ bán được cá với giá 2,5 USD/kg, hiện có DN đã chào giá bán 1,8 - 2,3 USD/kg. Như vậy bình quân mỗi kg cá, DN đang phải chịu lỗ 0,2 - 0,7 USD. Quá nhiều DN tham gia XK, nên đã cạnh tranh nhau bằng cách tự hạ giá bán dưới giá thành, nên càng XK càng lỗ.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng cá tra vùng ĐBSCL đạt 1,2 triệu tấn/năm, mà công suất của các nhà máy chế biến lại lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Như vậy, sản lượng nuôi chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu sản xuất. Chính vì vậy, để tồn tại, nhiều DN đã tìm mọi cách để giành giật thị trường, giảm giá bán, và nguy hiểm hơn là giảm cả chất lượng sản phẩm. Điều này về lâu dài không những kéo theo sự thua lỗ về tài chính, mà các DN đang dìm lẫn nhau và nghiêm trọng hơn, thương hiệu cá tra Việt Nam sẽ bị đe dọa vì chất lượng không đảm bảo.
Ông Cao Đức Phát Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: "Bản thân các DN chúng ta cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tự ta làm khó cho ta".
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch VASEP, cảnh báo: một số DN có nguồn tài chính không ổn định tăng cường bán tháo sản phẩm, nên XK quý IV có thể tăng lượng, nhưng thực tế lợi nhuận của nhiều DN bị thu hẹp, thậm chí thua lỗ. Tình trạng "chạy đuổi" của cả nông dân và DN trong bối cảnh giá thành sản xuất cao, nguồn vốn hạn hẹp sẽ dẫn đến hệ luỵ ngành cá tra năm tới sẽ càng khó khăn hơn. Thiếu vốn, DN tìm mọi cách đẩy cá đi cho dù sản phẩm đạt chất lượng không cao, thậm chí tăng tỷ lệ mạ băng lên 30 - 40%, tăng thuỷ phần (phụ gia giữ nước) để giảm giá bán… Thị trường sẽ không thể kiên trì được với chất lượng cá thấp, uy tín ngành cá tra sẽ sụt giảm, đầu ra sản phẩm này sẽ bị thu hẹp.
Sự cạnh tranh không lành mạnh, co kéo thị trường đã đẩy cả DN và nông dân vào vòng thua lỗ, lao đao không khác gì "người chết đuối" đang cần "phao bơi". Nhưng buồn thay, "phao bơi" là ngân hàng cũng quay lưng với họ.
Theo ông Dũng, khó khăn của ngành cá tra về thị trường XK chỉ là một phần, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN, nông dân là thiếu vốn. Bất ổn chính là ở chỗ trước kia, 70% sản lượng nguyên liệu cá tra là do nông dân nuôi, nhưng nay tỷ lệ này thuộc về DN, nhưng những DN này đang bị kẹt vốn, trong khi đó, chính sách tín dụng để khuyến khích chuyển đổi sang mô hình này chưa có. Điều này sẽ kéo theo sản lượng bất ổn ngay trong năm 2013.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, đã có trên 38.200 tỷ đồng được cho vay để phục vụ nuôi trồng, tiêu thụ cá tra. Dư nợ cho vay đạt trên 20.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người nuôi và DN vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Ông Dũng cho rằng các ngân hàng nên tập trung cho các DN và người nông dân vay vốn để nuôi cá tra.
Chấn chỉnh gấp ngành cá tra
Theo ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là trên 5.900 hộ dân và trên 280 DN sản xuất cá tra đã được vay là hết sức vô lý. Ngân hàng Nhà nước cần phải kiểm tra lại mục đích vay, liệu họ có đầu tư đúng hay không.
Ông Minh cho rằng nguồn vốn hỗ trợ phải được đổ vào đúng các DN khoẻ, phát triển đúng mục đích sản xuất - kinh doanh, không nên đổ vào đại trà các DN như hiện nay.
Ông Dũng kiến nghị cần có cơ chế tín dụng cho mô hình mới. Đồng thời cần có những chính sách thắt chặt các điều kiện kiểm soát đối với một số thị trường trọng điểm, cụ thể như EU và Mỹ. Cùng với đó phải tạo lại niềm tin cho thị trường, cần thiết phải "diệt bớt" các DN tham gia sản xuất cá tra mà không có nhà máy. Đồng thời phải có vai trò của ngân hàng tích cực trong việc điều tiết vốn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần chấn chỉnh tình trạng lộn xộn thị trường cá tra, trong đó có việc sử dụng hóa chất nuôi cá tra. Thậm
chí cấm sử dụng hóa chất tăng trọng. Cần có lộ trình tiến đến nói không với ngâm tăng trọng cho cá tra. Trước mắt là thực hiện nghiêm đối với những DN XK sang thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.
Để đảm bảo chất lượng cũng như giữ uy tín cho sản phẩm cá tra XK, ông Phát yêu cầu chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản sớm xây dựng thông tư quy định về hàm lượng mạ băng, các chất phụ gia tăng trọng…, chống tình trạng gian lận, phá giá, góp phần bình ổn thị trường XK cá tra.
Cũng theo ông Phát, đã có nhiều cuộc họp bàn xung quanh việc có nên khống chế lại sản lượng cá tra hay đẩy mạnh xúc tiến đẩy mạnh mở rộng thị trường trong tình huống thực tế hiện nay? Việc này đã được Chính phủ cho nghị quyết giao Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án tăng cường xúc tiến thương mại đối với cá tra. Bộ đã giao Tổng cục Thủy sản và yêu cầu sớm trình để ban hành thực hiện ngay từ năm 2013.
Ông Phát đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chỉ đạo để các ngân hàng tiếp tục cho vay đối với cá tra. Theo đó, có cơ cấu phù hợp tăng cho vay trung hạn về nuôi cá tra. Thậm chí cần thiết thì "đốt đuốc" đi tìm DN tốt để cho vay và giám sát trực tiếp những DN có nhu cầu vay thực sự. Ngay sau cuộc họp này, Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo trình Chính phủ để xin tháo gỡ.