Trong nuôi tôm, tuy người nuôi có theo dõi và kiểm tra tôm thường xuyên nhưng vẫn có thể không tránh khỏi các hiện tượng xấu xảy ra đột ngột. Tôm rớt đáy được cho là một trong các vấn đề nan giải của người nuôi.
Vì vậy, nếu phát hiện tôm rớt đáy với số lượng tăng dần mỗi ngày, cần lập tức xác định rõ nguyên nhân gây nên để có thể giải quyết kịp thời, tránh các thiệt hại cho ao nuôi.
Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm rớt đáy
Môi trường nước thay đổi đột ngột
Khi các chỉ tiêu môi trường nước như: pH, độ kiềm, nhiệt độ, oxy, độ trong của nước, ô nhiễm từ đáy ao,.. đặc biệt khi trời mưa to kéo dài và hàm lượng NH3, NO2 trong ao nuôi tôm tăng cao dẫn đến việc tôm bị mắc bệnh và rớt đáy hàng loạt.
Chất lượng thức ăn kém
Nếu lựa chọn phải một loại thức ăn không đáp ứng đầy đủ các chất dinh dưỡng mà tôm cần sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển dẫn đến còi cọ, thiếu chất, dễ nhiệm bệnh và rớt đáy liên tục.
Môi trường thiếu khoáng
Môi trường thiếu khoáng cũng là một yếu tố dễ khiến tôm rớt đáy mà bà con cần quan tâm. Vì nhu cầu khoáng chất đối với tôm là điều không thể thiếu, nó ảnh hưởng đến quá trình sống và phát của tôm. Việc nước ao không có đầy đủ khoáng chất sẽ dẫn đến việc chết tôm do lột xác không thành công.
Mật độ nuôi không phù hợp
Nếu không tính toán kỹ số lượng giống thả trong một ao sẽ dễ dẫn đến tình trạng mật độ nuôi dày, không đủ không gian cho tôm phát triển. Số lượng tôm nuôi trong ao quá cao, dẫn đến khi lột xác làm cho hàm lượng vi lượng trong ao thay đổi khiến môi trường ao tôm trở nên xấu đi. Do đó, khi mật độ quá cao dễ gây ra các loại bệnh khiến tôm rớt đáy.
Mật độ nuôi quá dầy sẽ khiến tôm bị thiếu không gian
Tôm bị vi khuẩn tấn công
Trong quá trình lột xác, tôm rất dễ mắc các bệnh như nấm, tảo, bệnh chuyển sản tôm khiến tôm bị dính đuôi và chìm xuống đáy. Đồng thời, tình trạng này dễ dàng lây lan sang các ao bên cạnh nhanh chóng và khó kiểm soát.
Giải pháp cho hiện tượng tôm rớt đáy
Để có thể đưa ra biện pháp phù hợp nhất, trước tiên bà con nên quan sát và tổng hợp lại các dấu hiệu trên tôm và môi trường nước để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tôm rớt đáy.
Đối với môi trường nước bà con có thể đem mẫu nước để kiểm tra các chỉ số có nằm trong ngưỡng cho phép hay là không. Dùng nhá tôm để kiểm tra lượng thức ăn có giảm hoặc trên tôm có các dấu hiệu về bệnh sẽ có thể xác định rõ nguyên nhân. Từ đó có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Nếu tôm rớt đáy do không cung cấp đủ dinh dưỡng và khoáng chất
- Bổ sung đủ khoáng chất: Tùy vào từng giai đoạn, bà con nên bổ sung khoáng cho tôm bằng cách trộn trực tiếp vào thức ăn hoặc tạt vào ao, cách này giúp tôm lột vỏ nhanh, cứng vỏ, tránh bị rong tảo bám vào.
- Dùng thức ăn thích hợp: Thức ăn nên có hàm lượng đạm tổng số 32-45%, kèm theo đó nên cho tôm ăn đủ lượng thức ăn cần thiết.
Người nuôi thu được nhiều tôm rớt đáy do mắc bệnh nhiễm khuẩn
Nếu tôm rớt đáy do môi trường ao nuôi
- Độ kiềm: Phải cao hơn 80 mg CaCO3 và cần được kiểm tra thường xuyên ít nhất một lần một tuần vì nó liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH và hoạt động lột xác của tôm.
- Độ mặn: Cần cân bằng độ mặn trong ao nuôi ở mức tối ưu là 25 ‰. Độ mặn càng cao thì lượng khoáng càng cao và ngược lại.
- Oxy hòa tan: Hàm lượng oxy hòa tan cần được giữ ở mức 4-6 mg/l trong suốt thời kỳ lột xác.
- Độ pH: Điều kiện thích hợp để tôm lột vỏ dễ dàng là trong khoảng 7,8 – 8,2 sẽ là điều kiện thích hợp để tôm lột vỏ dễ dàng.
Nếu tôm rớt đáy do vi khuẩn gây bệnh
- Quản lý tốt chất lượng nước ao nuôi, luôn kiểm soát và ổn định tảo trong ao.
- Cung cấp oxy liên tục bằng cách chạy quạt nước, sục khí đáy ao liên tục.
Ngoài ra bà có có thể sử dụng một số hóa chất thủy sản để can thiệp nhanh chóng, tuy nhiên cần phải tìm hiểu liều lượng phù hợp và sử dụng đúng kỹ thuật để tránh tình trạng tôm nặng thêm, gây tổn thất cho vụ nuôi.