Hiện nay, toàn huyện Thanh Thủy có 450 lồng cá nuôi của 11 hộ gia đình. Các loại cá được nuôi chủ yếu là cá lăng, chép, chiên, diêu hồng, trắm… Từ trước Tết Nguyên đán, tại một số lồng cá thuộc các xã Đoan Hạ, Bảo Yên, Xuân Lộc, Thạch Đồng đã xuất hiện tình trạng cá chết rải rác do mất nhớt… Riêng trong gần chục ngày trở lại đây, có 26 lồng cá của 4 hộ bị chết hàng loạt, trong đó có 21 lồng chết trên 70%, sản lượng ước tính khoảng gần 35 tấn cá, thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng.
Nước sông Đà giảm mạnh do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đóng cửa xả đáy khiến cho hàng chục lồng cá nằm phơi đáy trên bãi cát, cá chết do không đủ dưỡng khí và thiếu không gian sống.
Ông Trần Quốc Toàn ở xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy cho biết: Những ngày vừa qua, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã tiến hành đóng cửa xả đáy mà không có thông báo, lại đóng vào thời điểm ban đêm, nước rút xuống quá nhanh nên chúng tôi không kịp ứng phó. Nhiều lồng đã nổi hẳn lên mặt cát, trong đó có những lồng đang đến thời điểm thu hoạch. Chỉ riêng gia đình tôi có gần chục tấn cá bị chết, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Vài năm gần đây, việc nuôi cá lồng trên sông Đà thường xuyên bị ảnh hưởng bởi việc xả, đóng cửa của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn không khéo chúng tôi phải bỏ nghề nuôi cá lồng trên sông bởi không thể trụ nổi.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bên cạnh việc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đóng cửa xả khiến mực nước giảm còn nguyên nhân ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 vừa qua, lượng nước từ các ngòi xả ra sông với lưu lượng lớn khiến tại một số khu vực nuôi bị sạt lở, cá bị thiếu dưỡng khí và không gian sống dẫn đến hiện tượng chết hàng loạt.
Gia đình anh Nguyễn Văn Giáp ở khu 2, xã Bảo Yên thu cá chết để đem đi tiêu hủy, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND các xã, lãnh đạo huyện Thanh Thủy đã trực tiếp kiểm tra, yêu cầu phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với Chi cục Thủy sản tìm hiểu nguyên nhân cá chết, hướng dẫn biện pháp khắc phục, xử lý tiêu hủy số cá chết để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết thêm: Trước mắt, huyện đã hướng dẫn người nuôi cá lồng thực hiện các biện pháp vệ sinh lồng, bè nuôi cá hàng ngày để tạo luồng lưu thông dòng chảy, giúp cuốn trôi chất thải tích tụ của cá, giảm thiểu khí độc trong quá trình nuôi. Đồng thời, khuyến cáo người dân tạm dừng thả nuôi mới, chỉ thả mới khi môi trường nước trên sông được đảm bảo, dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan.
Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị với UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khi thực hiện đóng, mở các cửa xả cần chủ động thông báo cho các địa phương thuộc lưu vực sông Đà để kịp thời thông báo đến người nuôi cá lồng di chuyển cá, bơm nước bổ sung, tăng cường sục khí cũng như thu hoạch cá thương phẩm đã đạt trọng lượng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.