Cá mú trân châu (cá mú lai) là giống lai tạo từ tinh dịch của Cá mú Nghệ (Epinephelus lanceolatus) kết hợp với trứng của Cá mú Cọp (Epinephelus fuscoguttatus). Việc lai tạo này cho phép Cá mú lai tận dụng được tốc độ phát triển nhanh của Cá mú Nghệ, đồng thời duy trì được tỷ lệ sống cao của Cá mú Cọp.
Mặc dù việc bổ sung các loại thảo dược trong thức ăn đã được báo cáo là mang lại hiệu quả rất lớn cho động vật thủy sản. Nhưng có rất ít nghiên cứu bổ sung những loại thảo dược này cho cá mú lai. Do đó, nghiên cứu này thử nghiệm nhiều loại thảo dược để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cá mú lai.
Thảo dược nào phù hợp với cá mú trân châu?
Thảo dược là những thực vật rất gần gũi trong đời sống của người Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến trầu không, một vị thuốc dân gian quen thuộc nhưng cũng là một loại “thức ăn giải trí” để nhai cùng với cau. Lá trầu không có chứa nhiều hoạt chất như ancaloit, tanin, steroid, glycosid, flavonoid, phenol …. Vì vậy, rất có tiềm năng để sử dụng trong y học và nhiều ứng dụng khác.
Nghệ được sử dụng phổ biến như một loại gia vị hay một chất tạo màu. Curcuminoids là thành phần có tác dụng tốt trong nghệ, bao gồm chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm, chống kết tập tiểu cầu, chống nấm và giảm cholesterol hiệu quả.
Tuhau (Etlingera coccinea) một loài cây thuộc họ nghệ được dùng làm thức ăn và áp dụng trong y học cổ truyền để giảm đau do rối loạn hệ tiêu hóa như đau bụng, ngộ độc thực phẩm và các vấn đề về dạ dày. Bên cạnh đó, những loại cây trên đã được báo cáo là có hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh mẽ trên thủy sản.
Phải kể thêm, đã có rất nhiều loại thảo dược tự nhiên được nghiên cứu áp dụng vào nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt nhất là tỏi sử dụng trong nuôi nuôi cá ở cả dạng trực tiếp, tinh dầu và dạng bột. Ngoài ra, còn có gừng, húng quế, ngò rí, … Những thảo dược vừa làm gia vị vừa có tác dụng đặc biệt trong y học. Những loại thảo dược trên đã được nghiên cứu sử dụng rất thành công trên tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, tôm càng xanh,... Đây là những loài nuôi phổ biến. Trong nghiên cứu này chúng ta đề cập đến cá mú lai - một “ngôi sao mới nổi” trong nghề nuôi biến ở Việt nam vài năm trở lại đây.
Kết quả khi bổ sung thảo dược cho cá mú trân châu
Về tốc độ tăng trưởng
Đối với nhóm cá cho ăn nghệ hoặc tuhau có tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với nhóm cá được bổ sung trầu không. Trong đó, nghệ là thành phần từ lâu đã được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá rô phi, cá chép và các loài cá da trơn… Với nghệ, cá nuôi có FCR rất thấp, ăn nhiều hơn, tiêu hóa tốt hơn các nhóm thảo dược khác. Tuhau cũng là một loại thảo mộc tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển của cá mú lai, khi sự tăng trưởng ở nhóm này tương đương với nhóm cá được bổ sung nghệ.
Đối với cá mú, một số loại thảo dược cũng đã từng được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng đó là: gừng kết hợp với hành tây ở cá mú Cọp; chống lại sự lây nhiễm của vi khuẩn Streptococcus iniae gây ra trên cá mú chấm cam bằng tỏi và rau bồ ngót….
Tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng ở cá
Nghệ và tuhau cũng cho kết quả cao hơn nhóm trầu không trong trường hợp này. Ở cả 2 nghiệm thức nghệ và tuhau đều cho thấy sự tăng cường và thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột trên cá mú lai theo hướng có lợi, cộng thêm các hoạt động của enzym, khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng và tăng trưởng ở cá đều tốt hơn. Khi đó, hàm lượng protein và lipid trong cá có bổ sung 2 loại thảo dược trên cũng cao hơn nhóm trầu không và nhóm đối chứng.
Sự lưu giữ protein ở cá mú trân châu
Cá mú lai được cho ăn bổ sung tuhau có lượng thức ăn ăn vào thấp nhất nhưng lại phát triển tốt nhất do lưu giữ được lượng protein nhiều hơn. Việc lưu giữ protein đã được chứng minh trên nhiều loài cá nuôi khác: cá rô phi, cá bơn vỉ, cá mú dẹt,... Điều này cho thấy tuhau là một loại thảo mộc tiềm năng để cải thiện tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá mú lai.
Việc sử dụng trầu không
Một số hợp chất trong trầu không đã được chứng minh là có thể làm gián đoạn các hoạt động tăng trưởng quan trọng như quá trình đồng hóa protein, tiêu hóa chất dinh dưỡng dẫn đến còi cọc và hiệu quả sử dụng thức ăn thấp ở cá. Do đó, việc bổ sung trầu không ở mức 0,5% không có lợi đối với cá mú lai khi kích thích cá ăn nhiều hơn nhưng không hỗ trợ tăng trưởng, làm FCR cao. Việc sử dụng Trầu không cũng cần được nghiên cứu lại do sự tồn tại của một số thành phần hoạt tính như camphene và β-pinene, là những chất độc hại. Độc tố dẫn đến gan cá bị tổn thương làm cá hoạt động kém. Cần có nhưng nghiên cứu sâu hơn khi sử dụng Trầu không cho cá mú lai.
Dược liệu có thể được đưa vào thức ăn bằng cách sử dụng toàn bộ cây hoặc các bộ phận của nó (tức là lá, rễ, hạt, hoa và quả) và quá trình này có thể ở dạng tươi, bột hoặc chiết xuất. Việc bổ sung thảo dược vào chế độ ăn của cá thường dao động từ 1,3% đến 6% tùy thuộc vào loại thảo dược. Cá mú chấm cam bổ sung 1,3% tỏi sẽ tăng trưởng tốt hơn khi bổ sung 4%. Cá mú lai bổ sung 4% Cỏ roi ngựa tốt hơn 2% và 6%. Các loại thảo dược khác nhau chứa các hợp chất khác nhau và phản ứng với liều lượng khác nhau giữa các loài. Trong nghiên cứu này, mức độ thích hợp của nghệ, tuhau và trầu không ở cá mú lai chưa được xác định. Do đó, có thể tiến hành thêm nhiều thử nghiệm trong tương lai để thiết lập mức độ thảo dược phù hợp cho cá mú lai.
Reference: Dayang Nur Jazlyn binti Abang Zamhari, Annita Seok Kian Yong; Dietary herbs supplementation improves growth, feed efficiency and apparent digestibility coefficient of hybrid grouper (Epinephelus fuscoguttatus × Epinephelus lanceolatus) juvenile; Aquaculture Research. 2021; DOI: 10.1111/are.15392.