Đối với các ao nuôi tôm nền đáy cát, cát bùn, đất phèn, nếu khâu cải tạo ao, gây màu nước không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì khi gặp mưa, nhất là những cơn mưa kéo dài..., các yếu tố môi trường: pH, độ kiềm, độ mặn… sẽ thay đổi rất nhanh làm tảo chết đột ngột, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi.
Để ngăn chặn tình trạng này, khâu cải tạo ao phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, khi nước có pH từ 7,5 trở lên; độ kiềm trên 80 mới bón phân gây màu, nên bón 2-3 lần vào lúc có nắng, mỗi lần cách nhau 1-2 ngày (vì rất ít thủy sinh vật sống trong môi trường pH < 7). Tùy điều kiện thời tiết, khí hậu, định kỳ 7-10 ngày/lần bón vôi Dolomite, liều lượng: 10-20 kg/1.000m3 nước, đảm bảo độ kiềm trên 80 để nâng cao hệ đệm cho ao nuôi, pH sẽ ổn định. Để tảo ổn định nên gây màu nước bằng phân hữu cơ sinh học có thành phần chính: N, P2O5, vi khuẩn cố định đạm Nitrosomonas, nitơ hóa Nitrobacter, vi khuẩn biến đổi lân... Vì dưới tác dụng của các vi khuẩn này, các nguyên tố tạo sinh Nitơ, Phospho, các muối dinh dưỡng NO3-, PO43- được bổ sung liên tục cho ao nuôi, tảo hấp thu trực tiếp các yếu tố này, tôm ổn định, khỏe mạnh.
Đối với phân hữu cơ sinh học BIO COMPOST dùng từ6-10kg/1.000m3 nước, trộn đều với nước ao để hòa tan rồi tạt đều trên bề mặt ao, chạy quạt đảo nước để trộn đều. Sau 1-2 ngày sẽ lên tảo, nếu ngâm qua 24 giờ rồi lấy phần nước tạt xuống ao thì tảo lên nhanh hơn.
Sau khi đợt mưa dứt, hiện tượng tôm nổi đầu là do các ao nuôi lâu năm ở vùng đất phèn, hoặc có độ sâu mức nước thấp, ít thay nước nên khi mưa lượng phèn trên bờ theo nước chảy vào ao làm giảm pH, tăng độc tính của khí H2S, tôm suy yếu phải nổi đầu lên mặt nước.
Để khắc phục hiện tượng này, các hộ nuôi tôm phải rải vôi đều trên bờ ao, liều lượng 10kg/100m2, dùng vôi nông nghiệp CaCO3 hòa tan nước, chạy nguồn tạt đều khắp ao, liều lượng 10-20kg/1.000m3, bón từ từ kiểm tra pH nước ao nuôi trên 7,5 là đạt yêu cầu, đồng thời giảm lượng thức ăn cho đến khi kiểm tra tôm qua nhá (sàng cho ăn) ở trạng thái bình thường mới cho ăn lại theo liều lượng trước đó. Chú ý, khi mưa quá lớn phải xả bớt nước tầng mặt để tránh tình trạng độ mặn của ao nuôi giảm đột ngột.
Đối với các ao nuôi tôm nền đáy cát, cát bùn sau những cơn mưa lớn thường có nhiều hạt rắn lơ lửng, bụi đất trong nước, các chất bẩn này bám vào mang làm tôm dễ bị sưng mang, đen mang, vàng mang… Để khắc phục hiện tượng này, dùng vôi nông nghiệp CaCO3, liều lượng 10-20kg/1.000m3/ngày, nâng cao mức nước nhưng không chạy nguồn. Nếu làm trong 2-3 ngày mà không hết, sử dụng chất kết tủa để lắng tụ các hạt lơ lửng, bụi đất, sau đó si phông ra ngoài làm sạch môi trường ao nuôi rồi thay nước mới. Đối với Clinzex-DS, dùng 5-10kg/1.000m3 nước.
Đối với các vùng nuôi có độ mặn thấp như cửa sông, vùng đầm phá, mùa mưa tôm có thể bị mềm vỏ, khó lột xác, chân bò không bình thường, bỏ ăn. Bệnh do các nguyên nhân sau: Ao nuôi có độ kiềm thấp, pH thấp, môi trường biến động làm rối loạn hoạt động trao đổi chất của tôm, thức ăn tôm thiếu khoáng, vitamin (vitamin D)… Để khắc phục tình trạng này, dùng vôi Dolomite, liều lượng 10-20 kg/1.000m3, xử lý từ từ cho đến khi độ kiềm đạt ngưỡng cho phép (80-160), cho tôm ăn thức ăn chất lượng cao, hàm lượng P:Ca là 1:1, bổ sung thêm vitamin tổng hợp, không nên nuôi với mật độ quá dày.
Khi thời tiết thay đổi, trời sắp mưa, tôm sẽ giảm ăn do đó cần giảm lượng thức ăn, thậm chí ngừng cho ăn, sau khi mưa xong cho tôm ăn với lượng thức ăn giảm 30- 50% so với bình thường. Để tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh, cho tôm ăn thức ăn trộn với men tiêu hóa. Nên dùng các loại men tiêu hóa có thành phần chính: Vi khuẩn Lactobacillus sporogenes… vì vi khuẩn này sản xuất acid lactic, vừa làm tiêu hóa tốt thức ăn vừa ngăn chặn sự phát triển, xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh, làm tôm khỏe mạnh, nhanh lớn. Đối với men ProBio F2 cho tôm ăn ngày 1-2 lần vào bữa ăn chính, liều lượng 2-3g/kg thức ăn.
Trong tình hình hiện nay để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, vùng nuôi phải có ao lắng, xử lý nước đúng quy trình sau đó mới cấp vào ao nuôi. Ao lắng có diện tích 1/3-1/2 diện tích ao nuôi, dự trữ nước đầy đủ để sẵn sàng thay nước mới cho ao nuôi.
Những tình huống thường xảy ra vàbiện pháp giải quyết khi nuôi tôm vào mùa mưa là điều không tránh khỏi. Để giảm thiệt hại sản lượng tôm, các hộ nuôi nên quản lý, theo dõi thường xuyên, xử lý nhanh, kịp thời, chính xác thì mới quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi, nâng cao hiệu quả của vụ nuôi.