Về nuôi thủy sản mặt nước biển, Tuy An hiện có hơn 445 hộ tham gia nuôi khoảng 7.125 lồng, chủ yếu là tôm hùm và cá biển (chiếm khoảng 60% so với quy hoạch). Theo UBND huyện Tuy An, thời gian qua tình trạng lấn chiếm đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở các khu vực đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa.
Do nuôi thủy sản theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch nên một số vùng nuôi ở huyện Tuy An đã xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Sau khi khảo sát việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực đầm Ô Loan, đoàn giám sát của HĐND tỉnh có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn và các xã có nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tuy An.
Các thành viên trong đoàn yêu cầu địa phương làm rõ một số nội dung như công tác quản lý quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tình trạng lấn chiếm nuôi trồng thủy sản, công tác phối hợp quản lý và quy hoạch, thực trạng môi trường tại các vùng nuôi, công tác quan trắc cảnh báo môi trường, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Cư cho biết, mục đích đợt giám sát này là xem xét, đánh giá tình hình và kết quả triển khai việc giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri đối với việc quản lý quy hoạch và nuôi trồng thủy sản tại một số vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.
Giám sát đợt này cũng nắm rõ công tác khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó, HĐND tỉnh sẽ có tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nâng cao trách nhiệm về công tác quản lý, quy hoạch trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo HĐND tỉnh, ngoài huyện Tuy An, đoàn còn giám sát tại huyện Đông Hòa, TX Sông Cầu và làm việc với UBND tỉnh. Hôm nay (31/10), đoàn tiếp tục giám sát tại TX Sông Cầu.