Ăn cơm trên bờ, làm việc dưới nước
Anh Trần Quốc Hùng, một thợ lặn cừ khôi ở bãi Thơm (H.Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết mỗi lần tàu ra khơi cần khoảng 7 người, gồm 3 thợ lặn, 2 người phụ trách ống thở và bình hơi, 1 người điều khiển tàu và 1 người làm bờ tức lo hậu cần. Thời gian lặn từ 17 giờ đến 3 giờ sáng và thường kéo dài suốt những đêm tối trời (từ ngày 17- 30 âm lịch mỗi tháng). “Nghề lặn biển cực nhọc và nguy hiểm lắm, nhưng bù lại, nó giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đàng hoàng”, anh nói.
Anh Hùng từng làm quen với sóng nước từ năm 13 tuổi và hiện đang sống bằng nghề lặn bắt ốc và đồn đột. Hơn 20 năm theo nghề, đến nay anh đã thuộc từng rạn san hô, từng hòn đá dưới đáy biển và đã không ít lần đối mặt với gió to, sóng cả. Vừa kể chuyện gia đình, anh Hùng vừa mang ra giới thiệu với chúng tôi bộ đồ nghề của dân thợ lặn, gồm: kính lặn, giày cao su, bao tay, ống thở, chĩa, túi lưới và một bao chì nặng 10 kg. Nhìn sơ qua bộ đồ nghề, chúng tôi cảm thấy thứ nào cũng có vẻ sơ sài, khó có thể bảo vệ được chủ nhân của nó, nếu lỡ gặp rủi ro, bất trắc.
Thợ lặn Bùi Văn Xuân cho biết khi tàu ra khơi, việc đầu tiên là anh em chọn một hòn đảo hoang để cất lều, tiếp theo là tìm điểm đánh. Sau khi định vị xong, anh em bắt đầu trang bị đồ lặn, tháo ống hơi cột vào người và nhảy tùm xuống biển, hoạt động ở độ sâu từ 10 - 15 sải nước. Ban ngày thì tìm các loài ốc biển, ban đêm săn hải sâm ẩn trú dọc theo các rạn san hô, đá ngầm hoặc các hang hốc.
Khi phát hiện được con mồi, anh em thi nhau dùng các thủ thuật nhà nghề để tóm gọn từng con cho vào giỏ lưới.
Sau một ngày ra khơi, các ghe lặn lại quây quần quay về hòn Củ Tron nghỉ ngơi
Gắn bó với nghề
Có thể nói chưa có nghề nào nguy hiểm và vất vả bằng nghề thợ lặn - nghề đối mặt với thủy thần. Vậy mà nhiều người vẫn bám lấy, thậm chí còn coi đó là một cái nghiệp đeo đẳng họ từ đời này sang đời khác.
Anh Xuân cho biết mỗi đợt lặn kéo dài khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ, tùy theo sức khoẻ và thời tiết. Trong suốt quá trình làm việc dưới đáy biển, anh em thợ lặn lúc nào cũng ngậm một đầu dây dẫn khí được truyền từ một bình hơi do chiếc máy nổ vận hành trên ghe. Dưới nước, ai cảm thấy thiếu hơi thì nắm dây giật 1 cái; muốn nổi lên giật 2 cái, còn như giật liên tục 3 cái là ám hiệu bảo buông dây xuống để kéo hàng lên. Hải sâm khi lên bờ phải được luộc và sấy khô ngay tại chỗ trước khi mang về giao lại cho thương lái. Tuy nhiên, nghề mưu sinh dưới đáy biển không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Anh Nguyễn Thanh Hoàng (ở thị trấn Dương Đông, H.Phú Quốc) nói trước đây, cá, ốc còn nhiều, mỗi chuyến ra khơi trở về kiếm bạc triệu, còn bây giờ phải đi xa và lặn sâu mới kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày. Đó là chưa kể gặp lúc thời tiết bất thường phải trở về tay không. “Mặc dù nghề của tụi tui hết sức gian nan, vất vả nhưng riết rồi cũng quen và mê luôn, thậm chí còn “ghiền” cái mùi biển và cái cảm giác lặn sâu dưới biển. Hôm nào mưa gió không ra khơi được là cảm thấy buồn. Tụi tui coi ghe thuyền và biển cả cũng như máu thịt của mình. Chính nhờ vậy mà anh em đã hăng hái vượt qua sóng to gió lớn, ngày ngày ngâm mình dưới nước để kiếm sống”, anh Huỳnh Văn Tiền, một thợ lặn chuyên săn cá mú ở hòn Nghệ, tỏ ra an phận.
Vùng biển đảo Kiên Giang có tới hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Đa số cư dân nơi đây đều sống bằng nghề đánh bắt hải sản; trong đó có khá nhiều người đánh bắt bằng cách lặn biển…