Tàu của dân thợ lặn ở vùng biển Phú Quốc - Ảnh: Tiến Trình
Hiểm nguy rình rập
Một ngày như vạn ngày, khi mặt trời vừa loé lên là các thợ lặn nuốt vội vắt xôi hoặc chén cơm trước khi xuống thuyền ra khơi cho tới lúc mặt trời lặn xuống biển mới quay về tới bờ. Cuộc mưu sinh dưới biển vô cùng vất vả. Lúc đầu ai cũng sợ cực, sợ khổ, sợ chết chóc, bệnh tật nhưng những ám ảnh đó riết rồi cũng qua đi, bởi nếu không ra biển thì lấy đâu ra tiền đổi lấy chén cơm, manh áo.
Ông Ba Hải, một thợ lặn chuyên nghiệp nay đã giã từ biển khơi, nhớ lại: “Người dù gan dạ cỡ nào, tài giỏi đến đâu, khi lặn xuống biển cũng cảm thấy mình bé nhỏ trước đại dương. Ai có theo nghề vài năm là sẽ biết đá, vàng. Tai không thúi thì cũng bị ù, ngực tức, khó thở như tui đây chẳng hạn. Nhưng vì cái nghiệp nên phải theo, đến lúc già lặn hết nổi mới chịu từ bỏ”.
Đúng thế, nghề lặn biển đâu phải ai muốn là được. Ngoài sức chịu đựng dẻo dai, người lặn còn phải có bản lĩnh và kinh nghiệm “tác chiến” dưới biển sâu. Có người lặn bắt ốc, băt sò; người săn cá mú, cá ngát; có người chuyên săn hải sâm, trùn biển; cũng có người chuyên tìm phế liệu… Loài nào cũng ở sâu dưới đáy biển, muốn tóm được chúng, người lặn phải âm thầm làm việc cật lực hằng giờ dưới nước, bất chấp hiểm nguy. Dân lặn ở ấp Bãi Thơm hiện nay đa phần đều săn lùng hải sâm (còn gọi là đồn đột) - một loài động vật biển có giá trị kinh tế khá cao. Loại này trước kia xuất hiện rất nhiều ở Phú Quốc, nhưng do đánh bắt ráo riết nên ngày càng cạn kiệt. Do đó, muốn khai thác được nhiều, anh em phải chạy tàu ra tận các đảo xa, mỗi chuyến đi về mất khoảng nửa tháng.
Ông Vương Ngọc Ánh, một lão ngư chuyên săn sò điệp nổi tiếng ở Hòn Nồm, sau khi nốc cạn ly rượu đã tâm sự với chúng tôi: “Nghề này khốn khổ lắm. Chuyện chết chóc, tai họa giữa lòng biển khơi nơi nào mà chẳng có. Anh em dù kinh nghiệm hoặc bản lĩnh tới đâu cũng không thể biết trước khi nào biển hiền, khi nào biển nổi giận. Nếu có gì bất trắc, khó mà tránh được ù tai, chảy máu mũi. Nguy hiểm nhất là biển “trở chứng” bất thường hoặc bình hơi gặp sự cố, bởi sợi dây dẫn khí thở là con đường sống duy nhất của thợ lặn. Nếu bất cẩn có thể gây ra tai họa khôn lường. Chính bản thân tôi đã bị sức ép của nước gây tai biến và chân bị tê liệt, chạy chữa gần 1 năm mà vẫn chưa hồi phục”.
Chia bùi sẻ ngọt
Từ xưa, ông bà có câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” để chỉ 2 nghề cực khổ và nguy hiểm nhất trong cuộc mưu sinh. Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của các con mà họ phải dấn thân vào cái nghề hạ bạc, ngày ngày phải chống chọi với nắng cháy, mưa nguồn, sóng to, biển động.
Thợ lặn Bùi Văn Xuân cho biết cuộc sống của những người thợ lặn thật âm thầm và hiu quạnh giữa trùng khơi sóng gió nên mọi người thương nhau như ruột thịt, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt. Những lúc sóng to, biển động không lặn được, họ thường quây quần bên ly rượu, kể lại chuyện đời, chuyện nghề cho đỡ nhớ vợ nhớ con. Nhưng tuyệt đối họ không nói điều xằng bậy hoặc xui xẻo và luôn giữ lòng thành kính đối với thủy thần. Trước khi ra khơi và trước lúc xuống biển, họ thường bày tỏ lòng tri ân bằng cách cúng vái, cầu xin đất đai vương trạch và thần linh hộ trì cho mọi người bình yên vô sự.
Nhiều lão ngư nói rằng các loài cá, tôm, cua, sò, ốc bây giờ không còn dồi dào như trước đây, do khai thác quá mức. Nhiều loài, nhất là hải sâm, trùn biển và các loài cá ngon giờ đã trở thành đặc sản quý hiếm, muốn bắt được chúng ngư dân phải đi xa bờ vài chục hải lý. Nhưng càng đi xa, càng tốn kém, trong khi sản vật thu được chẳng bao nhiêu, nên có chuyến đi biển sau khi trừ chi phí, ngư dân chẳng còn đồng nào đong gạo.