Vất vả mưu sinh
Hằng đêm, ở bãi bồi ven sông Hậu (xã Khánh Hòa, H.Châu Phú, An Giang) có khoảng vài chục ghe, xuồng đánh lưới cá cơm. Dong chiếc xuồng đến khúc bãi bồi vắng, ông Nguyễn Văn Tiếp (69 tuổi) ra hiệu cho mọi người trên xuồng bủa lưới. Như được phân công nhiệm vụ từ trước, anh Nguyễn Văn Tèo nhanh nhẹn trầm mình xuống dòng nước lạnh lẽo, rồi rê dàn lưới. Anh nói: “Hôm nay gió mạnh lạnh quá, chắc đánh 2 - 3 chuyến phải nghỉ giũ lưới”.
Rê lưới được một đoạn, thấy cá cơm nhảy lung tung, anh Tèo phỏng đoán: “Mẻ này khoảng chục ký, không uổng công đêm nay chịu lạnh”. Khi hai đầu lưới vừa giáp lại, chị Mén (em của Tèo) nhảy ầm xuống nước hì hục bóp chì. Người bóp chì và người phân lưới phải phối hợp ăn khớp thì mới dính cá nhiều. Khi dàn lưới được phân lên gần giáp, đàn cá cơm nhảy xoi xói, anh Tèo nhanh tay lấy chiếc rổ xúc cá cho vào thau. Đưa lên cân thử, thau cá nặng hơn 11,5 kg, anh Tèo hồ hởi: “Hôm nay, mới đánh mẻ lưới đầu đã trúng. Từ đây đến sáng chắc kiếm được vài chục ký cá cơm”.
Hôm chúng tôi tháp tùng “đoàn” đánh cá cơm, bà Nguyễn Thị Mến (70 tuổi) cũng tham gia cùng các con. Bà kể: “Hồi trước, ở khúc sông này mỗi đêm có khoảng 30 xuồng ghe đánh lưới cá cơm. Lúc đó, chồng tôi canh theo con nước ròng đánh mỗi ngày vài chục ký là chuyện thường. Nhưng mấy năm nay lượng cá cơm trên sông giảm dần. Có hôm, chúng tôi đánh suốt đêm chỉ được vài ký, không đủ chia nhau ăn”.
Cuộc đời bà Mến gắn chặt với đoạn sông này nên bà rất rành về chuyện đánh cá cơm. Từ khi chồng qua đời, bà cùng các con là anh Tèo, chị Mén, chị Lành tiếp tục bám sông mưu sinh. Bà nói: “Sống ở đâu quen đó, làm nghề đánh lưới cũng vậy, hôm nào không đi đánh lưới, cảm thấy rất bứt rứt. Cảnh nghèo thì ráng làm tiếp tụi nhỏ, chứ ngồi không hoài lấy đâu ra tiền để chi tiêu trong gia đình”.
“Nồi cơm” của người nghèo
Hầu hết những người mưu sinh bằng nghề đánh lưới cá cơm trên sông Hậu đều có hoàn cảnh khó khăn. Không ruộng đất, họ lấy sông sâu làm kế sinh nhai. Ông Nguyễn Tấn Điện trên 40 năm đánh cá cơm nên biết rất rành chỗ sâu cạn, chỗ có nhiều cá trên sông. Nắng sớm vừa lóe lên cũng là lúc “đội quân” đánh cá cơm trên ghe ông Điện cập bến. Những đứa trẻ theo cha mẹ kéo lưới đầu cổ ướt sũng, run cầm cập.
Chỉ tay về hạ nguồn dòng sông, ông Nguyễn Tấn Điện cho biết khúc sông này đã có người “xí” chỗ hết. Mỗi một luồng cây cắm trải dài là một bãi cá đã có chủ. Đó là quy định bất thành văn, bãi cá của ai thì người ấy đánh, không được phép xâm phạm của người khác. Trước đây, muốn bắt được cá cơm thì người đánh lưới phải bỏ tiền ra thuê bãi bồi của chủ đất. Còn bây giờ cá ngày càng ít, chủ đất “buông xuôi” cho dân nghèo kiếm sống. “Chúng tôi xem bãi sông như “nồi cơm” của mình. Nhờ đánh lưới cá cơm mà có tiền đong gạo hằng ngày. Thường vào tháng 11 âm lịch hằng năm, chúng tôi bắt đầu xuống đường ven. Sau đó, mua trái cây hoặc đầu heo về cúng “bà cậu” độ làm ăn suôn sẻ. Khi đó, mọi người cùng nổ máy dong ghe bủa mẻ lưới lấy ngày. Cá cơm thường đi theo con nước mùng mười hoặc ngày rằm trong tháng, nhưng phải canh theo lúc nước ròng cá tụ thành từng đàn, đánh sẽ trúng hơn”, ông Điện nói.
Cá cơm bắt đầu xuất hiện từ tháng 11 kéo dài cho đến mùng 5 tháng 5 âm lịch năm sau. Qua thời gian này, người đánh lưới sẽ kéo ghe, xuồng lên bờ xả hơi. Sau đó, tìm việc làm thuê kiếm sống đợi mùa cá sang năm. Ông Điện nói với giọng trầm buồn: “Trước đây, vào mùa nước nổi còn làm thêm nghề kéo cá, tôm trên đồng. Còn nay đồng ruộng đê bao khép kín sản xuất 3 vụ nên chúng tôi phải đi nhổ cỏ, be bờ kiếm sống. Những năm trước còn đi cắt lúa mướn, nhưng nay có máy gặt đập liên hợp, tụi tôi thất nghiệp dài dài”.
Tại những bãi bồi ở H.Chợ Mới, TP.Long Xuyên, mỗi ngày có vài chục xuồng của dân nghèo đánh lưới cá cơm. Cá cơm được bạn hàng tại chợ Long Xuyên cân với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nếu hôm nào rơi ngay con nước rong thì giá cá sẽ khoảng 30.000 đồng/kg.