Được biết, ông Thảo có diện tích nuôi trồng thủy sản là 5 ha, dùng để nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế: tôm sú, cá kèo. Thực hiện thành công các mô hình này đã đem đến cho gia đình ông một cuộc sống khấm khá với thu nhập ổn định từ 800 - 850 triệu đồng/năm và là điểm tham quan học hỏi cho nhiều bà con trong và ngoài huyện để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Trần Văn Thảo cho biết: Gia đình ông khởi đầu sự nghiệp làm kinh tế gia đình tương đối khó khăn: Cách đây hơn 10 năm, kinh tế gia đình chỉ dựa vào canh tác lúa, làm rẫy…nên thu nhập tương đối thấp, cuộc sống gia đình còn “thiếu trước hụt sau”. Sau nhiều ngày trăn trở, ông Thảo quyết định vay tiền của bà con, người thân thuê 0,5 ha đất (với giá 3 triệu đồng/năm) ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng để nuôi tôm sú. Để nắm vững kỹ thuật nuôi ông đã tìm đến Trung tâm Khuyến ngư Bạc Liêu, các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, thêm vào đó ông còn học hỏi kinh nghiệm của những hộ nuôi thành công trong vùng áp dụng vào điều kiện sản xuất cụ thể của địa phương từ đó giải quyết tốt những phát sinh trong quá trình nuôi. Năm 2002, ông Trần Văn Thảo bắt đầu nuôi tôm sú theo hình quảng canh cải tiến. Từ năm 2004 đến nay, ông Thảo chuyển đổi đất trồng lúa của gia đình sang nuôi tôm theo hình tôm - lúa với diện tích 4 ha (vụ 1: nuôi tôm, vụ 2: nuôi tôm kết hợp trồng lúa), nuôi cá kèo với diện tích 1 ha.
Thành công với các mô hình này, mỗi năm gia đình ông Thảo có thu nhập ổn định từ 800 - 850 triệu đồng (trong đó mô hình Tôm – Lúa: 510 triệu đồng), trừ chi phí còn lãi hơn 350 triệu đồng/năm. Riêng năm 2012, ông Thảo thực hiện mô hình tôm - lúa thu hoạch tôm được 6,5 tấn, bán được 812,5 triệu đồng, lợi nhuận 320 triệu đồng, lúa thu hoạch được 24 tấn, lợi nhuận 60 triệu đồng; thu hoạch được 11,6 tấn cá kèo, lợi nhuận 250 triệu.
Được biết, hiện nay ông Trần Văn Thảo đang giữ chức vụ Trưởng ấp Vườn Cò, nên ông luôn quan tâm, sâu sát đến đời sống của bà con ông xóm ấp, giúp đỡ trong quá trình sản xuất, phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho bà con nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm, chuyển giao khoa học – kỹ thuật đến bà con nông dân. Những năm qua nhờ vào sự giúp đỡ của ông Trần Văn Thảo mà đời sống của nhiều nông dân ấp đã dần khấm khá hơn, đời sống gia đình cũng được cải thiện hơn trước. Với những cống hiến của mình cho địa phương, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Hưng Thành nên ông Trần Văn Thảo đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen cấp xã, huyện.