Ban đầu chỉ có một vài hộ ương, gièo cua giống, thấy mô hình có hiệu quả nên nông dân học hỏi lẫn nhau cùng thực hiện. Tháng 7/2012, Tổ hợp tác ương, gièo cua giống ấp Cái Trăng hình thành với 16 thành viên. Qua hiệu quả thực tiễn cùng sự vận động của Hội Nông dân xã, đến nay nhiều bà con đã vào tổ hợp tác để được cơ quan chức năng hỗ trợ kỹ thuật và vốn. Đến nay, Tổ hợp tác đã có 49 thành viên, được chia thành 3 tổ nhỏ để dễ quản lý.
Theo đánh giá của nhiều nông dân, đây là mô hình có hiệu quả và triển vọng, tập hợp được lao động nhàn rỗi, tận dụng những khu đất trống xung quanh nhà, vốn không có giá trị kinh tế để tăng thu nhập.
Là người tiên phong thực hiện mô hình, ông Đoàn Văn Tuyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác ươm, gièo cua giống Cái Trăng chia sẻ, cua mê (nở từ ấu trùng) sau 5 - 15 ngày ương là có thể xuất bán. Riêng gia đình ông có 70 hầm cua, lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Được biết, cua giống có 3 kích cỡ chính gồm: cua tiêu (bằng hạt tiêu) có giá 350 đồng/con, cua dưa (bằng hạt dưa) 450 đồng/con và cua me (bằng hạt me) 550 đồng/con. Mỗi tháng, Tổ hợp tác cung cấp cho thị trường từ 10 - 15 triệu con giống, góp phần bảo đảm nhu cầu con giống của nông dân trong tỉnh.
Một trong những người cung cấp con giống tốt nhất cho các trại ương, trại cua giống của anh Nguyễn Văn Niêm (ngụ khóm 5, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) lúc nào cũng có hơn 100 con cua mẹ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với kinh nghiệm 12 năm gắn bó với nghề, anh Niêm ương giống đạt tỷ lệ từ 70 - 80%, xuất bán đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ra cả miền Trung.
“Bình quân, mỗi con cua mẹ cho lợi nhuận từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng. Một tháng, trại xuất bán từ 50 - 70 con, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập trên 20 triệu đồng”, anh Niêm bộc bạch.
Thu nhập cao nhờ ươm, gièo cua giống
Nói về kỹ thuật sản xuất, anh Niêm cho biết thêm, phải chọn những con cua mẹ khỏe mạnh, trọng lượng từ 450 - 600gr, đầy gạch và có màu sáng xanh. Sau khi tiến hành vệ sinh thì thắt mắt trái, cho vào bể chứa có chạy oxy. Thức ăn của cua khá đơn giản, có thể tận dụng cá loại cá tạp, ốc... có sẵn ở địa phương. Sau thời gian chăm sóc từ 10 - 20 ngày, cua bắt đầu sinh sản, sau đó dưỡng lại từ 5 - 7 ngày là có thể xuất bán.
Theo các hộ làm nghề, với lợi thế gần biển, độ mặn của nước từ mức 25 -30‰ rất phù hợp để phát triển mô hình. Khó khăn nhất là vào mùa mưa nhiều, khiến nước hạ độ mặn khiến cho nguồn cua giống có tỷ lệ rủi ro cao. Nhưng tình trạng này chỉ diễn ra 1 - 2 tháng.
Ông Tạ Trường Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Năm Căn cho biết, nhu cầu mua cua mẹ của thị trường luôn rất cao, vì thế hội sẽ kết hợp với các chi hội vận động các hộ thành lập tổ hợp tác để nâng cao chất lượng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện để cho các hộ nuôi tiếp cận với các nguồn vốn, nâng cao quy mô sản xuất…
Hiện tại, nhu cầu thị trường về cua giống của Cà Mau là rất lớn, bởi theo thống kê toàn tỉnh có khoảng 150.000ha diện tích nuôi cua. Mỗi năm, cho sản lượng khoảng 6.000 - 7.000 tấn. Diện tích nuôi tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Cái Nước, chủ yếu là hình thức nuôi kết hợp với các đối tượng khác như tôm, cá và nuôi dưới tán rừng… Mô hình ương, nuôi cua giống là hướng mới, giúp nông dân vươn lên làm giàu.