Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63/2010/QÐ-TTg và sau đó là Quyết định số 65/2011/QÐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Theo đó, hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân qua hệ thống Ngân hàng NN và PTNT để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Việc ban hành chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Theo số liệu của Bộ NN và PTNT, tính đến hết quý I năm 2013, cả nước đã có gần 7.000 đối tượng là các hộ gia đình, doanh nghiệp được vay vốn theo chương trình giảm tổn thất sau thu hoạch, với tổng dư nợ cho vay 1.265 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 206,9 tỷ đồng thuộc lĩnh vực thủy sản, chiếm tỷ lệ khoảng 16% tổng dư nợ. Số đối tượng được vay vốn từ chính sách này khoảng 15%, chủ yếu đầu tư mua thiết bị cấp đông và hầm bảo quản.
Theo ý kiến của các cơ quan chức năng, cũng như của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, ngoài những yếu tố như: hầu hết các cơ sở sản xuất thủy sản quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, cho nên chưa có nhu cầu vay vốn để đầu tư hệ thống máy móc thiết bị lớn; trình độ văn hóa của ngư dân còn hạn chế, ít có khả năng tiếp cận các chính sách vay vốn ngân hàng... thì việc yêu cầu các đối tượng phải mua máy móc thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước hơn 60% và phải nằm trong danh mục hàng hóa được hỗ trợ do Bộ NN và PTNT công nhận, là rất khó thực hiện.
Nguyên nhân chính của tổn thất thủy sản sau thu hoạch tập trung chủ yếu ở khâu bảo quản sản phẩm của các tàu, thuyền trên biển. Theo thống kê, hiện cả nước có gần 130 nghìn tàu cá các loại, hầu hết các tàu cá đóng bằng vỏ gỗ theo mẫu dân gian, áp dụng phương pháp bảo quản truyền thống đã lạc hậu như đá xay hoặc ướp muối. Chỉ những tàu có công suất lớn mới thiết kế các hầm bảo quản cách nhiệt được làm từ vật liệu PU (Polyurethane) mà trong nước chưa sản xuất được. Vì vậy, tỷ lệ nội địa hóa ở các hầm bảo quản là rất thấp. Căn cứ theo quy định nêu trên thì hầu như không có một đơn vị tàu cá hoặc ngư dân nào có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này.
Ðể chính sách thật sự đi vào cuộc sống, giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn, Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cùng với tập trung giải quyết những nhóm giải pháp tổng hợp, việc gỡ "nút thắt" này cũng sẽ góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tổn thất thủy sản sau thu hoạch xuống dưới 15% vào năm 2015 và đến năm 2020 xuống dưới 10% theo Ðề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 375/QÐ-TTg ngày 1-3-2013.