Đánh bắt khai thác thuỷ sản là nghề gắn bó lâu đời với cư dân ven biển, nhưng phần lớn ngư dân hạn chế về kiến thức pháp luật, hạn chế thông tin về ngư trường khai thác, bị một số phần tử xấu lôi kéo đưa tàu sang vùng biển nước ngoài để "lén khai thác".
Ngư dân không chỉ vi phạm pháp luật trong nước mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh Việt Nam với các nước trong khu vực. Hành vi này cần lên án và phải có những biện pháp ngăn chặn ngay tại cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và cũng do nhu cầu mưu sinh, một số ngư dân đưa tàu sang đánh cá ở những vùng biển không được phép khai thác, bị nước ngoài bắt và tạm giữ. Chính quyền các nước sở tại không chỉ tịch thu tàu, phương tiện mà còn xử lý theo pháp luật đối với chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên.
Giúp ngư dân bám biển
Công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai cho ngư dân những quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; phổ biến cho chủ tàu, thuyền trưởng tàu khai thác xa bờ biết rõ toạ độ ranh giới biển, vùng chồng lấn giữa Việt Nam với các nước, hình thức xử lý của các nước trong khu vực đối với tàu khai thác hải sản trái phép và quy định của Việt Nam về hợp tác khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường quản lý khai thác hải sản trên biển, xây dựng kế hoạch phối hợp ngăn chặn tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; tiếp tục thực hiện các giải pháp đôn đốc các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền và thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã tổ chức 5 lớp tập huấn hướng dẫn hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển Cà Mau, 10 lớp phổ biến các quy định về quản lý khai thác thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho 887 ngư dân tại các cửa biển tập trung như: Sông Đốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm..., phối hợp Đồn biên phòng Sông Đốc tổ chức tập huấn cho 250 thuyền trưởng, chủ tàu tìm hiểu toạ độ ranh giới biển Việt Nam và các nước lân cận, vùng biển chồng lấn, vùng nước lịch sử.
Mở nhiều đợt tuyên truyền cho người dân ở các xã, thị trấn ven biển; tổ chức họp dân, vận động chủ tàu, thuyền trưởng ký giấy cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không hợp tác chui với người nước ngoài; tổ chức 2 cuộc đối thoại với 62 ngư dân, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề khai thác hải sản hiểu rõ hơn vùng biển khai thác an toàn.
Còn nhiều khó khăn
Do tính chất đặc thù của nghề phải bám biển dài ngày và chỉ đến khi vào con nước không câu được mực, tàu mới vào bờ; thời gian ở bờ từ 7-10 ngày lại ra khơi; chủ tàu, thuyền trưởng, ngư phủ rất ít có điều kiện tham gia sinh hoạt với cộng đồng; các cuộc họp xóm, nhóm tại địa bàn dân cư đều giao cho người ở nhà.
Nắm bắt được những khó khăn khách quan, các cấp chính quyền cơ sở phối hợp chặt với lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách liên quan đến nghề biển, kể cả việc vận động ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương, đồn biên phòng ở các cửa biển đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật vẫn còn nhiều khó khăn. Dù các buổi tuyên truyền được tổ chức vào thời điểm thuyền vào bờ nhưng chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên ít khi tham dự đầy đủ
Việc khai thác, ăn chia phần trăm một cách không chính thức với người nước ngoài, ngư dân gọi là "hợp đồng chui". Từ đầu năm 2013 đến nay, các cơ quan chức năng địa phương, Đồn biên phòng Sông Đốc phát hiện, xử lý hành chính 6 phương tiện, 54 thuyền viên (có hợp đồng đánh bắt chui với người nước ngoài), đã xử lý đúng theo quy định nhưng vẫn chưa ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật.
Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chủ tàu, cho thuyền trưởng đang là bài toán đặt ra cho các xã có biển. Giải bài toán này cần sự chung tay của cả cộng đồng, đừng để ngư dân bám biển chơi vơi vì không hiểu biển./.