Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep, việc gia tăng “đột biến” về số lượng DN chế biến XK thủy sản và hộ nuôi trồng thủy sản tăng vọt lên gấp đôi sau khi VN gia nhập WTO, và việc một số DN chế biến cá tra XK vì chạy theo lợi nhuận đã tìm mọi cách để bán hàng… hoạt động theo kiểu “ăn xổi” đã tạo nên hệ lụy không nhỏ cho toàn ngành. Hậu quả, trên 400 DN trong tổng số 800 DN ngành này bị “đổ nợ”, hiện chỉ còn lại khoảng 20% DN tồn tại và phát triển trong khi số còn lại đang… hấp hối.
Cần phao cứu trợ lớn hơn !
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, trong gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng Bộ đã trình với Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ người nuôi và DN chế biến cá tra XK. Theo đó, về sản xuất tiêu thụ cá tra, đối với các hộ đang nuôi cá chưa tới kỳ thu hoạch có hợp đồng bao tiêu với DN sẽ được vay tối đa 60% chi phí nuôi với lãi suất vay ưu đãi 0,65%/tháng trong thời hạn vay 6 tháng, với gói tín dụng khoảng 5.400 tỷ đồng.
Đối với các DN thu mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi được DN ký kết hợp đồng tiêu thụ, Bộ đề xuất hỗ trợ vay 1.440 tỷ đồng, kỳ hạn 4 tháng với lãi suất 11,4% năm của ngân hàng. Riêng các DN có vùng nuôi cá tra riêng thì sẽ được vay với số vốn 2.160 tỷ đồng với kỳ hạn 6 tháng. Mục tiêu của gói tín dụng này nhằm bảo đảm cho cả DN và người dân có nguồn vốn ổn định để sản xuất, nuôi trồng và chế biến.
Để giải ngân số tiền này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: đối với hộ nuôi cá sẽ không trực tiếp nhận các khoản vay này mà thông qua các hợp đồng ký kết tiêu thụ với DN chế biến cá tra XK và DN cung ứng thức ăn thủy sản. ngân hàng theo đó sẽ rót tín dụng theo phân kỳ của điều khoản hợp đồng cung ứng thức ăn thủy sản cho đơn vị cung cấp. Đến vụ thu hoạch, dựa trên phiếu nhập cá tra nguyên liệu của DN chế biến cá tra XK, ngân hàng làm cơ sở chuyển tiền thanh toán cá tra theo như hợp đồng đã ký đưa cho người bán cá tra nguyên liệu sau khi đã trừ các khoản chi phí trước đó như tiền thanh toán cho DN cung ứng thức ăn thủy sản, lãi suất tín dụng… “Việc làm này nhằm tránh trường hợp cả hai đối tượng là người nuôi lẫn DN sử dụng sai mục đích và ngân hàng có thể kiểm soát chặt chẽ khoản tín dụng mà mình đưa ra” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Tuy vậy, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc sở Công Thương TP Cần Thơ cho rằng: gói hỗ trợ này quá nhỏ so với tổng số lượng DN và các hộ nuôi trồng thủy sản hiện có ở khu vực ĐBSCL. Theo ông Toại, với trên 200 DN chế biến cá tra XK hiện nay ở ĐBSCL, nên đưa ra mức hỗ trợ 20.000 tỷ đồng mới hợp lý. Ngoài ra, mức lãi suất như gói hỗ trợ đưa ra vẫn còn quá cao đối với cả hai đối tượng là người nuôi và các DN XK ngành cá tra. Bởi theo tính toán cụ thể, cứ 100 tấn cá tra bán hiện nay, nông dân lỗ từ 200 - 300 triệu đồng do giá mua cá tra hiện đang ở mức dưới sàn (mỗi kg cá tra thì người nuôi hiện đang lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng). “Như vậy, với mức lãi suất này thì tiền bán cá ra chỉ đủ trả lãi suất ngân hàng” - ông Thoại nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Lương Hoàng Minh - Tổng giám đốc Cty CP thủy sản MêKông (Cần Thơ) cho rằng, sẽ có nhiều DN không mấy quan tâm đến gói hỗ trợ này. Một phần là do lãi suất vẫn còn quá cao (11.4%/năm – PV) so với thông tin ban đầu được đề xuất là dưới 10%. Thêm vào đó, mức lãi suất này chỉ thực hiện trong thời gian có 4 tháng nên sẽ không cải thiện được tình hình khó khăn hiện nay của DN. Chiếc “phao” hỗ trợ DN của Chính phủ chỉ đủ “dưỡng khí” cho đoạn đường ngắn trong khi DN lại đang rất cần sức để “bơi” đoạn đường dài.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Vasep, ông Dương Ngọc Minh phân tích: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá tra nguyên liệu “tuột dốc” thời gian qua là do cả hai đối tượng là người nuôi và DN đều thiếu vốn. Người nuôi để thanh toán các khoản nợ trong nuôi trồng đã bán tháo cá cho DN. Còn DN thì thiếu vốn nên dù giá cá tra xuống nhưng vẫn không thể mua cá của người nuôi. Một số DN đã “vượt rào”, chấp nhận vay với lãi suất cao và hệ quả là … lâm vào cảnh nợ nần và nợ xấu ngân hàng. Nhiều DN đã vỡ nợ do không lường trước được những biến động của thị trường khi thị trường chuyển hướng xấu và giá cá tra XK bị làm giá trên thị trường thế giới.
Từ quan điểm đó, ông Minh cho rằng, với tình hình XK cá tra đang bán chậm như hiện nay, Chính phủ giao cho ngân hàng Phát triển cùng với các tổ chức tín dụng khác cho DN vay với lãi suất 11,4%/năm nhưng chỉ trong vòng 4 tháng thì chỉ có những DN đang trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn mới chấp nhận điều kiện vay như thế này.
Quy định về giá sàn
Việc tuột dốc của giá cá tra XK trên thị trường thế giới đã nhiều lần được đưa lên “mổ xẻ” trong nhiều cuộc họp nhằm tìm kiếm một giải pháp, nhưng trên thực tế các giải pháp đưa ra từ các ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho đến các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý hiện vẫn cứ nằm yên một chỗ và giới DN và hộ nuôi trồng thì vẫn thấp thỏm… chờ.
Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Cty CP Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) cho rằng, việc cá tra VN liên tục bị giảm giá bán trên thị trường thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến DN và các hộ nuôi cá tra mà còn liên đới tới các nhà nhập khẩu và phân phối nước ngoài do luôn lo sợ sau khi ký hợp đồng xong giá cá sẽ tiếp tục giảm, vì vậy họ chưa an tâm khi ký những hợp đồng lớn và dài hạn.
Còn theo bà Trương Thị Lệ Khanh - Tổng giám đốc Cty CP Vĩnh Hoàn, nếu các DN XK VN xây dựng được một chiến lược kinh doanh tốt thì giá cá tra XK có thể bán ở mức giá tối thiểu cao hơn từ 30 – 40% so với mức giá như hiện nay. Bởi chỉ riêng thị trường châu Âu, VN có hơn 300 DN tham gia XK nhưng mỗi DN lại chào hàng với mức giá khác nhau, quy chuẩn sản phẩm cũng khác nhau khiến các nhà nhập khẩu châu Âu rất mệt mỏi. Do vậy, các DN phải thống nhất và xây dựng giá sàn tối thiểu cho con cá tra. Và giá này phải được xác định không chỉ căn cứ trên tình hình sản xuất thực tế cá tra tại VN mà còn phải phù hợp với thị trường thế giới. Ngoài ra, giá sàn cũng phải phù hợp với từng quy cách sản phẩm và được ghi rõ trên bao bì cũng như chứng từ. Nếu thực hiện được như vậy sẽ khuyến khích các DN XK tập trung cạnh tranh bằng chất lượng đồng thời hạn chế được tình trạng cạnh tranh phá giá, nhà nhập khẩu cũng yên lòng khi ký hợp đồng lớn và dài hạn để mua cá tra VN. Mặt khác, DN và hộ nuôi cá tra sẽ không còn mâu thuẫn quyền lợi.
Đồng quan điểm này, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep cho biết, thiết lập giá sàn cho cá tra XK là việc làm cần thiết, góp phần ổn định đầu vào cũng như đầu ra cho cá tra. Chính vì vậy mà ngay từ cuối năm 2010 cho đến nay, Vasep cũng như các DN đã có ý kiến đề nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành giá sàn thu mua và XK cá tra. Đơn cử, cuối năm 2010, nhiều DN đã đồng thuận ký cam kết áp dụng giá sàn XK cho năm 2011 là 3 USD/kg đối với cá tra thịt trắng và 2,05 USD/kg cho cá tra thịt đỏ. Đến đầu tháng 7/2011, giá sàn cá tra XK được điều chỉnh nâng lên 3,3 USD/kg cho cá thịt trắng và 2,3 USD/kg cho cá tra thịt đỏ. Và giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu là 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ nuôi trồng có lãi khoảng 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do các DN tranh mua, tranh bán, mỗi người một giá lại không có sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chế tài đối với những DN làm ăn bát nháo, không bài bản đã đẩy cá tra nguyên liệu liên tục đổ dốc không phanh từ 26.000 đồng/kg, nay chỉ còn 20.500 – 21.000 đồng/kg, có lúc xuống thê thảm chỉ còn ở mức 18.000 – 20.000 đồng/kg. “Và câu chuyện lập lại kỷ cương từ việc hình thành giá sàn trong thu mua cá tra nguyên liệu cho tới thị trường XK về cơ bản xem như phá sản” - ông Hòe thừa nhận.
Từ những bất cập trong việc quản lý các DN XK trong ngành thủy sản thời gian qua gây “nhiễu” và làm loạn về giá trên thị trường XK, nhiều ý kiến của các DN cũng như lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng xây dựng lại Nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra XK, trong đó có quy định về giá sàn phù hợp với cơ chế thị trường và quy định quốc tế. Thực hiện được vấn đề này sẽ ngăn chặn được tình trạng các DN chạy theo lợi nhuận, bán phá giá, đồng thời còn giúp cho cơ quan nhà nước dễ quản lý hơn và công cuộc sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động XK cá tra cũng được thuận lợi và hiệu quả hơn.