Nuôi cá vẫn cầm chừng
Trong vòng nửa tháng qua, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã được vực dậy trở lại khoảng 3.500 – 4.000 đồng/kí lô gam, lên mức giá 22.500 đồng/kí lô gam đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 – 0,8 kí lô gam/con).
Dù giá cá nguyên liệu tăng trở lại nhưng người nuôi cá vẫn đang trong tình trạng lỗ nặng; nhiều hộ dân có cá chưa tới lứa bán phải chuyển sang cho cá ăn thức ăn tự chế để cầm cự.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, hộ nông dân nuôi cá tra tại huyện Châu Phú, An Giang (thành viên Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA)), cho biết ông đã chuyển qua cho cá ăn bằng thức ăn tự chế gần 1 tháng nay. “Bây giờ phải chuyển qua cho ăn thức ăn tự chế cầm cự thôi chứ cho ăn thức ăn viên (thức ăn công nghiệp) là lỗ cái chắc”, ông Nguyên nói.
Theo tính toán của bà con nuôi cá tra tại huyện Châu Phú, An Giang, với giá bán như hiện nay, người nuôi cá vẫn tiếp tục lỗ nặng, từ 2.000 – 4.000 đồng/kí lô gam (tùy loại). Giá cá tra tăng nhưng vẫn chưa kích thích được người dân thả nuôi trở lại vì giá vẫn nằm trong ngưỡng lỗ và nhiều địa phương tình trạng treo ao vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên dưới 80 héc ta diện tích ao nuôi của bà con vẫn tiếp tục "treo", không có vốn tái đầu tư sản xuất trở lại.
Ông Võ Văn Thành, hộ nông dân nuôi cá tra tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết: “Trước đây tôi có 1,5 héc ta mặt nước nuôi cá tra nhưng giờ chỉ nuôi 0,5 héc ta thôi, lỗ lã kéo dài, đâu có tiền nữa mà đầu tư tiếp. Mấy ngày nay nghe giá cá đã tăng trở lại cũng mừng nhưng tôi vẫn thấy lo vì giá cá vẫn còn dưới giá thành”.
Vốn chưa tới nông dân
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết Chính phủ đã có quyết định thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng cứu ngành cá tra vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay (gồm cả doanh nghiệp và nông dân nuôi cá).
Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề tiếp cận gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng này, bà con nuôi cá tại ĐBSCL vẫn chưa thể tiếp cận được, thậm chí còn có nhiều quy định khắc khe hơn trong thẩm định cho vay.
Ông Nguyên Hữu Nguyên cho biết, từ khi có quy định giám đốc ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khoản nợ do mình thẩm định cho vay trên địa bàn do mình quản lý (tỉnh, thành phố), hầu hết các ngân hàng đều làm rất căng.
“Trước đây với 3 héc ta đất canh tác lúa và 0,6 héc ta diện tích mặt nước nuôi cá tra (có cá đang nuôi) tôi có thể vay được cả tỉ đồng, còn hiện nay ngân hàng xét duyệt cao lắm cũng chỉ 400 triệu đồng thôi”, ông Nguyên cho biết.
Nông dân Nguyễn Văn Tuấn, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp thừa nhận vẫn chưa nghe nói gì tới gói hỗ trợ cho người nuôi cá và trong vùng này cũng có thấy ai vay được gì.
“Trước đây cầm hồ sơ đi vay là chắc ăn 70% thành công rồi, còn bây giờ khó lắm, họ (ngân hàng) đòi hỏi này kia đủ thứ hết mới thẩm định cho vay”, ông nói.