Đối tượng nuôi chính là tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) ở vùng nước lợ, với hình thức nuôi chủ yếu là bán thâm canh, thâm canh và ngao ở vùng bãi triều ven biển. Ngoài ra, còn có một số loài nuôi khác như: cua, hàu, cá vược, cá mú… được nuôi ở hình thức xen ghép, quảng canh cải tiến.
Một số vùng nuôi như: Kỳ Ninh, Kỳ Thư huyện Kỳ Anh; Cẩm Phúc huyện Cẩm Xuyên; Hộ Độ huyện Lộc Hà trước đây đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho đối tượng nuôi chính là tôm sú. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi do điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp, mặt khác nguồn lực về tài chính, mức đầu tư của người dân hạn chế, do đó sau vụ nuôi chính, bà con thường chọn hướng thả xen ghép nhiều đối tượng trong ao như: cua biển, cá vược, cá rô phi... Sau một thời gian nuôi với nhiều đối tượng và hình thức nuôi như vậy, các hộ dân nhận thấy nuôi xen ghép nhiều đối tượng trong 1 ao hiệu quả hơn hẳn nuôi độc canh tôm sú.
Năm 2016-2017, nằm trong khuôn khổ của dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với ban quản lý các dự án ODA ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng mô hình đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy sản tại xã Hộ Độ - huyện Lộc Hà, xã Kỳ Thư, Kỳ Ninh huyện Kỳ Anh, Cẩm Phúc huyện Cẩm Xuyên, Thạch Bàn huyện Thạch Hà nhằm giảm thiểu rủi ro do nuôi tôm mang lại. Nuôi đa dạng hóa là hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Từ đó, phục hồi môi trường các vùng nuôi bỏ hoang hoặc kém hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giảm bớt rủi ro về dịch bệnh và giảm chi phí đầu tư sản xuất. Trong nuôi đa dạng hóa, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Nuôi đa dạng hóa hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý môi trường do vậy dư lượng các chất tồn còn lại trong ao và sản phẩm nuôi ít, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Mô hình nuôi thủy sản xen gép được thả nuôi ở mật độ thưa, đối tượng nuôi được nghiên cứu thử nghiệm là không cạnh tranh nhau mà mỗi loài ở các tầng nước khác nhau trong ao nên hỗ trợ tốt cho nhau làm sạch môi trường nước. Dịch bệnh của các loài được kiểm soát, không lây chéo cho nhau. Hình thức nuôi xen gép cá đối mục, tôm sú và cua trong cùng một ao đã đem lại “lợi ích kép” cho nông dân vì vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa tác động rất tích cực đến môi trường nuôi nói chung. Nông dân thu hoạch nhiều lần và chủ động thu hoạch loại nào khi thị trường bán được giá. Kết quả, mô hình ở các xã đều đạt khá, phù hợp với điều kiện thời tiết và tập quán canh tác của nông dân ở địa phương. Sau thời gian nuôi 4 tháng, cá đối mục đạt 4 con/kg, tôm 40 con/kg, cua 4 con/kg, nông dân thu hoạch dần theo từng lứa và có thu nhập ổn định. Kết quả của mô hình đã duy trì tính ổn định của vùng nuôi, hạn chế những rủi ro vì dịch bệnh do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi, tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản tại những vùng thường xuyên bị dịch bệnh, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nuôi tôm.
Từ những bước đi đầu tiên này, mô hình nuôi xen ghép giữa cá đối mục, tôm sú và cua đã tạo sự cân bằng sinh thái, hạn chế ô nhiễm trong quá trình nuôi tôm, giảm dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững