Thứ nhất: Chỉ thả giống tôm vụ 2 ở các vùng nuôi có cơ sở hạ tầng đảm bảo, ít ảnh hưởng do mưa lũ (Những vùng triều thấp như Kỳ Hải, Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Thiên Cầm, Thạch Mỹ…không nên thả giống). Đối tượng nuôi chỉ nên thả tôm thẻ chân trắng.
Những vùng dịch bệnh đã xẩy ra không nên thả giống tôm mà nên thả luân canh một số đối tượng khác như cá rô phi, cá vược,…nhằm cải tạo môi trường, hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi năm tiếp theo.
Thứ 2: Chú trọng công tác cải tạo ao đầm, nạo vét bùn đáy, gia cố lại bờ ao đảm bảo trước khi thả giống.
- Sau khi thu hoạch tôm vụ 1 cho đến lúc thả tôm vụ 2 cần phải có khoảng gian ngắt vụ ít nhất là 30 ngày để có đủ thời gian cho công tác chuẩn bị ao đầm bảo đảm yêu cầu kỹ thuật nuôi.
- Đối với những ao nuôi vụ trước đã bị dịch bệnh cần phải xử lý nước nuôi bằng Chlorin nồng độ 30 ppm (30g/m3), thời gian xử lý sau 10 ngày mới được gây màu nước.
- Cần theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vùng nuôi lân cận, khi thấy ổn định mới được tiến hành thả giống.
Thứ 3: Nên thả giống mật độ thưa hơn so với nuôi vụ 1
Chọn tôm giống có thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng, trước khi thả nuôi phải được kiểm tra chất lượng và có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tránh thả tôm khi trời đang nắng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời mưa.
Thứ 4: Do thời tiết nuôi vụ 2 thường biến đổi thất thường nên cần phải kiểm soát môi trường ao nuôi tốt tránh biến động lớn ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Thường xuyên sử dụng vi sinh để ổn định môi trường đồng thời chú trọng quản lý cho ăn một cách hợp lý. Tăng cường bổ sung vi ta min C, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
- Các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi. Chú ý đến các yếu tố hay bị biến động như nhiệt độ, ôxy, pH... để điều khiển các yếu tố này nằm trong khoảng thích hợp với tôm nuôi và khoảng dao động cho phép, không gây sốc đối với tôm.
+ Nếu kiểm tra thấy yếu tố pH giảm: Dùng vôi bột CaCO3 hoặc Dolomite để nâng pH liều lượng 20 - 30 kg/1.000m3 nước, nếu pH xuống quá thấp dùng vôi nung CaO, liều lượng: 1,5 - 2 kg/1.000m3.
+ Trường hợp pH tăng: Tốt nhất là nên thay bớt nước hoặc dùng đường, liều lượng 1,5 - 2 kg/1.000 m3 nước.
- Thực hiện các biện pháp ổn định nhiệt độ như nâng cao và duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 - 1,4m; hạn chế thay nước; nên rải vôi xung quanh bờ ao, ngăn chặn các vật chủ trung gian từ bên ngoài vào ao nuôi.
- Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, vôi nông nghiệp (CaCO3) hoặc vôi Dolomit (CaMg(CO3)2) ổn định môi trường nước với liều lượng: Dolomit + Canxi 300 - 400 kg/ha/tuần.
- Về thức ăn: Cần cho tôm ăn thức ăn đảm bảo chất lượng và số lượng. Chú ý khâu bảo quản thức ăn vì trong điều kiện thời tiết bất lợi, nếu bảo quản không tốt dễ làm thức ăn bị biến chất; khi thức ăn bị biến chất cũng là yếu tố làm cho tôm bị các bệnh về đường ruột và gan tụy.
Ngoài ra, các hộ nuôi cần theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn và tình hình dịch bệnh tôm của các vùng lân cận để có biện pháp quản lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Mặt khác, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động có các biện pháp can thiệp kịp thời khi các yếu tố môi trường nuôi biến động.
Trên đây là một số lưu ý khi thả nuôi tôm vụ 2. Chúc bà con có vụ nuôi thắng lợi!