TP Hà Tĩnh hiện có 245 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 60 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh, tập trung ở các vùng Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng…
Để các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn yên tâm cho vụ nuôi mới, chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên trách phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, quan trắc môi trường (độ mặn đất, nước…) và lấy mẫu tôm tự nhiên kiểm tra để có khuyến cáo phòng dịch bệnh đầu mùa. Đồng thời, tư vấn chọn giống, lịch xuống giống... cho bà con.
Đặc biệt, theo kỹ sư thủy sản Hồ Thị Diệu Hồng (Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh), năm nay, người dân địa phương rất quan tâm đến việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, bên cạnh các chế phẩm bán ngoài thị trường thì bà con có thể tự ủ chế phẩm EM bằng các nguyên liệu có sẵn theo đúng quy trình hướng dẫn. Ngoài ra, cán bộ chuyên trách các địa phương cũng hướng dẫn các hộ cải tạo, làm ao lắng, chia nhỏ ao hồ trung bình từ 2.000 - 5.000 m2/ao… để nâng cao năng suất, hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên các đối tượng nuôi.
Nhiều hộ nuôi công nghiệp đã hoàn thành cải tạo ao hồ, đang chờ đúng lịch thời vụ thả giống
Chế phẩm sinh học EM giúp phân hủy các chất hữu cơ trong nước, xác tảo chết; giảm sự gia tăng của lớp bùn đáy; giảm các độc tố trong môi trường nước do các chất độc như H2S, NH4,giảm mùi hôi trong nước, giúp ổn định môi trường; giảm được mầm bệnh phát triển gây hại; nâng cao khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng, giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn và rút ngắn thời gian nuôi…