Trong 10 năm trở lại đây, nghề nuôi nhuyễn thể ở đảo Cát Bà phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng. Trên toàn đảo, hiện có hơn 400 hộ nuôi trồng thủy sản với hàng nghìn ô lồng, giàn nuôi. Sản lượng hàng năm khoảng trên 2.500 tấn với giá trị trên 380 tỷ đồng.
Để mở rộng quy mô nuôi trồng, nhiều hộ dân đã đầu tư hàng tỷ đồng để thả con giống và dự kiến sẽ cho thu hoạch sau 2-3 năm nuôi trồng. Tuy nhiên, giữa tháng 1 vừa qua, UBND huyện Cát Hải đã có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động nuôi nhuyễn thể trên các vịnh và hoàn trả diện tích tự nhiên ban đầu trước ngày 30/04/2018.
Anh Vũ Văn Hậu, người nuôi nhuyễn thể trên đảo Cát Bà cho biết: “Mới xuống giống mà UBND huyện quyết định cấm thời gian quá gấp như thế người dân không có thời gian thu hồi lại vốn đầu tư. Bây giờ cũng chỉ yêu cầu có một thời hạn để thu hồi lại vốn và chuyển đổi ngành nghề.”
Theo các hộ nuôi trồng thủy sản trên đảo Cát Bà, việc chấm dứt hoạt động nuôi nhuyễn thể sẽ ảnh hưởng đến hơn 400 hộ dân cùng hàng nghìn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Do đó, UBND thành phố Hải Phòng cần phải có lộ trình và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế tại đảo, bởi nghề nuôi nhuyễn thể từng được chính quyền khuyến khích phát triển từ nhiều năm trước.
Ông Phạm Vĩnh Toàn, phó giám đốc ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có ý kiến: “Tùy theo giai đoạn của mỗi một loài nhà nước có thể dãn thời gian thời hạn cho bà con 1 hoặc 2 năm.”
Phó chủ tịch huyện Cát Bà ông Hoàng Trung Cường cũng cho biết: “Huyện cũng sẽ định hướng cho nhân dân đồng thời đề nghị thành phố có những cơ chế đễ hỗ trợ cho nhân dân chuyển đổi nghề”.
Cũng theo đại diện UBND huyện cát hải nếu xóa bỏ các lồng bè nuôi thủy hải sản như hiện nay sẽ khiến huyện gặp khó khăn trong nguồn cung hải sản phục vụ du khách, do đó việc duy trì nuôi thủy hải sản là rất cần thiết vì nó phục vụ trực tiếp cho du lịch trên đảo Cát Bà.