Cà Mau mô hình nuôi tôm - rừng
Số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ 278.365 ha, lớn nhất nước ta, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sản lượng 233.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,66% so với năm 2022; năng suất bình quân 837 kg/ha/năm, tăng 53 kg/ha/năm so với năm 2022.
Trong đó, diện tích tôm – rừng 40.500 ha, lớn nhất nước ta, với diện tích mặt nước nuôi tôm 25.922 ha, đã được các tổ chức chứng nhận 20.000 ha của hơn 4.200 hộ. Năng suất tôm bình quân 290 - 300 kg/ha/năm, cao hơn các năm trước.
Nuôi tôm dưới tán rừng ở Cà Mau phát triển nhiều năm nay
Diện tích tôm – lúa 37.740 ha, năng suất tôm bình quân 300-350 kg/ha/năm. Trong đó có diện tích nuôi tôm càng xanh kết hợp là 23.516 ha, năng suất tôm bình quân 200 - 300 kg/ha/năm.
Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 183.012 ha, năng suất bình quân 500 - 600 kg/ha/năm. Những hộ nuôi theo quy trình 2 giai đoạn cho năng suất 600-800 kg/ha/năm.
Diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh 6.609 với 7.661 hộ. Trong đó, nuôi siêu thâm canh 4.776 ha với 4.912 hộ, năng suất bình quân 25 - 30 tấn/ha/vụ; Nuôi thâm canh 1.833 ha với 2.749 hộ, năng suất bình quân 5 tấn/ha/năm (tôm sú) và 8 tấn/ha/năm (tôm chân trắng).
Ngoài ra còn nuôi tôm quảng canh kết hợp cua, cá, sò huyết, năng suất bình quân 300-320 kg/ha/năm.
Đánh giá của Sở NN&PTNT, nuôi tôm ở Cà Mau còn hạn chế do kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, môi trường nước một số vùng nuôi bị ô nhiễm, sản xuất manh mún, liên kết hợp tác chậm phát triển và chưa bền vững, giống chưa đảm bảo. Tuy nhiên, dù tôm nuôi còn tồn lưu tác nhân gây bệnh trên con giống và trong ao nuôi khá cao nhưng chưa đủ điều kiện để phát sinh thành dịch bệnh.
Năm 2024, Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng tôm đạt 243.000 tấn, tăng 4,29%/năm. Tập trung phát triển nuôi tôm sinh thái, hữu cơ, tôm - lúa có chứng nhận gắn với liên kết, nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, coi trọng việc phát triển ưu thế sản phẩm tôm-rừng có chứng nhận quốc tế, vừa giảm phát thải vừa bảo vệ hệ sinh thái bền vững để tăng cạnh tranh.
Kiên Giang tôm - lúa
Số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ 136.241 ha (đứng thứ 3 cả nước, sau Cà Mau và Bạc Liêu), sản lượng 121.000 tấn, vượt 0,41% kế hoạch. Trong đó, tôm – lúa 106.303 ha, lớn nhất nước ta, sản lượng 69.685 tấn, vượt 4,71% kế hoạch. Tôm quảng canh cải tiến 25.597 ha, sản lượng 10.500 tấn, vượt 3,04% kế hoạch. Tôm thâm canh và bán thâm canh 4.341 ha, sản lượng 40.815 tấn, đạt 93,27% kế hoạch.
Luân canh tôm - lúa ở Kiên Giang không ngừng mở rộng diện tích
Tỉnh Kiên Giang chủ trương khai thác tiềm năng, lợi thế tại 2 vùng sinh thái trọng điểm là U Minh Thượng với luân canh tôm- lúa, Tứ giác Long Xuyên với tôm thâm canh và bán thâm canh. Đầu tư có trọng điểm nên trong năm 2023, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại chỉ xảy ra trên 1.096 ha (0,8% diện tích thả nuôi) và đã cấp phát 26.520 kg chlorine cho 104 hộ để kịp thời dập dịch khi mới phát sinh, hạn chế lây lan.
Dự báo năm 2024, ngành tôm nước lợ còn nhiều khó khăn nên Kiên Giang đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ giảm nhẹ 0,2%, nhưng tôm-lúa vẫn tăng 0,5%; về sản lượng tăng 7%. Để đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp đề ra giải pháp: “Tập trung nuôi tôm – lúa tại vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao, nuôi tôm quảng canh cải tiến tại những vùng có đủ điều kiện, phát triển nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tại các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên”.
Kiên Giang nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tôm-lúa. Điển hình: “Xúc tiến việc phối hợp với Công ty TNHH Xã hội Tôm chứng nhận Minh Phú thực hiện Dự án tôm – lúa theo tiêu chuẩn quốc tế tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang với diện tích 1.000 ha vào năm 2024 và dự án sẽ kéo dài đến năm 2029 với diện tích sẽ tăng lên hàng năm”.
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Kiên Giang coi trọng việc phối hợp, vận hành có hiệu quả hệ thống thủy lợi đã có, đặc biệt như hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé lớn nhất vùng ĐBSCL. “Chú trọng hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi để chủ động cấp nước; nâng cấp đê bao, bờ bao ở các vùng nuôi tập trung. Hoàn chỉnh hệ thống cống điều tiết nước chủ động ở các vùng tập trung để phục vụ sản xuất, nhất là phục vụ các mô hình nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa. Phối hợp, vận hành có hiệu quả hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé”.