Nhiều năm trở lại đây, phong trào nuôi cá ở Tân Thành đã phát triển mạnh. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 109 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích trên 43 ha. Bên cạnh việc đào ao thả cá, người dân Tân Thành còn tận dụng diện tích mặt nước của dòng sông, các đầm nước lớn để nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi cá lồng là cách làm mới có ưu điểm hơn so với đào ao, chi phí ban đầu thấp, lồng cá có thể di chuyển vị trí để thay đổi môi trường giúp cá phát triển tốt. Chi phí đóng mỗi chiếc lồng cá là khoảng 1 đến 1,2 triệu đồng có thể nuôi 100-120 con cá; lồng có thể dùng trong 5 năm với hiệu suất sử dụng 2 lứa cá/năm. Hiện toàn xã có 23 lồng cá đang phát triển có hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi năm cá được đánh bắt từ tự nhiên cũng lên tới 80-90 tạ mỗi năm. Với nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như phụ phẩm nông nghiệp là lá sắn, lá ngô... nên việc nuôi cá của bà con khá thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành cho biết: “Vài năm trở lại đây, chăn nuôi thủy sản đã góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, vừa tận dụng được diện tích mặt nước vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là trong thời gian nông nhàn. Hiện nay, bình quân mỗi năm toàn xã bán ra thị trường trên 80 tấn cá thịt”.
Gia đình anh Tạ Văn Lâm, thôn 3 Tân Yên, xã Tân Thành, là một trong những hộ đi đầu của xã trong việc nuôi cá lồng trên sông. Năm 2003, từ những thử nghiệm ban đầu ở 5 lồng cá, đến nay anh đã gây dựng được 9 lồng cá với nhiều loại cá khác nhau như: Cá chiên, cá trắm, cá trôi... Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trong chăn nuôi nên những năm qua những lồng cá của gia đình anh luôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Năm 2013, trừ các chi phí về giống cá, thức ăn, thuốc thì gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, nuôi thủy sản tại Hàm Yên ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, các hộ nuôi thủy sản đã chuyển từ phương thức quảng canh sang hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Nhiều hộ nông dân đã thay đổi đối tượng nuôi, đó là giảm diện tích nuôi giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi các giống thủy sản mới như: Rô phi đơn tính, cá chiên… cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện Hàm Yên hiện có 2.074 hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, đa số các hộ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Để đưa chăn nuôi thủy sản trở thành hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Hàm Yên tăng cường công tác tuyên truyền áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhân rộng và phổ biến các mô hình nuôi thâm canh, mô hình cá lồng, ba ba…