Hoạt động chế biến thủy sản ở nhiều nhà máy tại ĐBSCL đang èo uột vì thiếu vốn.
Rất nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản ở ĐBSCL hiện giờ đã phải co cụm hoạt động, thậm chí tuyên bố phá sản theo hiệu ứng sụp đổ dây chuyền.
Từ “chết” đến “bị thương”
Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ hiện có 30 DN chế biến, xuất khẩu thủy sản. Nhiều DN hiện lâm vào cảnh phá sản, nợ nần với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.
Công ty TNHH An Khang (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP. Cần Thơ) là DN thủy sản đầu tiên vỡ nợ với số tiền trên 300 tỷ đồng. Sau đó, đến lượt Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã “ôm” đống nợ trên 241 tỷ đồng, trong đó tới 236 tỷ đồng nợ xấu. Ngoài ra, còn nhiều DN thủy sản khác cũng mắc nợ hàng trăm tỷ đồng, hiện không có tiền mua cá, nên phải hoạt động cầm chừng, có nguy cơ chờ phá sản.
“Nổi bật” vẫn là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, nợ ngân hàng và người nuôi cá hàng ngàn tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Hiện nay, Công ty Bình An đã hoạt động trở lại, nhưng công suất chế biến đã giảm rất nhiều. Theo thống kê, trung bình các nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ có công suất tối thiểu là 1.200 tấn cá/ngày, nhưng hiện hầu hết công ty hoạt động với công suất chỉ 400 tấn/ngày.
Tại An Giang, nơi có đến 21 nhà máy chế biến cá tra, thuộc loại lớn ở ĐBSCL cũng đang rơi vào cảnh “thoi thóp”. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy đã phải sa thải công nhân hàng loạt, một số nhà máy giảm công suất thê thảm, thậm chí ngưng hoạt động do làm ăn không hiệu quả. Ông Lê Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Hiện nay, các DN thủy sản ở An Giang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có tới 70% DN có nguy cơ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng”.
Còn tại Đồng Tháp, theo UBND tỉnh này, tính đến thời điểm này đã có tới 160 DN “đóng cửa”, trong đó có tới 62 DN chính thức giải thể. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, rất nhiều DN dù vẫn duy trì hoạt động, nhưng công suất chỉ còn 30%, thậm chí còn 10%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với nhiều nhà máy chế biến tôm và cá xuất khẩu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Đơn cử như, cuối năm 2011, DN tư nhân Vạn Hưng (chuyên chế biến thủy sản ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đóng cửa và không khả năng thanh toán tiền mua nguyên liệu cho người nuôi buộc phải kéo nhau ra tòa.
Cùng với Vạn Hưng, một DN thủy sản ở Bạc Liêu vừa bị các ngân hàng siết nợ hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty làm ăn thua lỗ, nhiều lô tôm xuất khẩu bị đối tác phát hiện nhiễm kháng sinh vượt quy định, bị trả về. Nợ càng ngày phình ra buộc phải tạm ngừng hoạt động. Chưa hết, nhiều đại gia thủy sản khác ở các tỉnh này cũng đang lâm nợ “khủng” đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, có khả năng “vỡ” bất cứ lúc nào.
Người lao động mất việc
Việc hàng loạt các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL phá sản đã kéo theo hệ lụy hàng nghìn công nhân bị mất việc làm. Chỉ tính riêng Khu công nghiệp Trà Nóc 2, ước tính có vài nghìn công nhân mất việc làm phải về quê để làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Cả 2 vợ chồng anh Đỗ Văn Dự và Trần Thị Thảo vừa bị mất việc làm, nên đã dắt nhau trở về quê (phường Phước Thới, quận Ô Môn) để làm ruộng. Anh Dự cho biết: “Khi 2 vợ chồng làm công nhân, mỗi tháng tiền lương, tăng ca cũng kiếm từ 6-7 triệu đồng, đủ xoay xở tiền trọ, tiền ăn uống. Từ ngày công ty bị phá sản, không có việc làm bắt buộc phải về quê để tìm kế sinh nhai”.
Dù đã nghỉ việc hơn 1 tháng, nhưng anh Dự vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp thôi việc, vì công ty đang gặp khó khăn, không có tiền trả cho công nhân.
Công ty cổ phần Docifish (chuyên sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu tại Khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp) đã tạm ngừng hoạt động, công ty đã phải giải quyết chế độ cho hơn 400 công nhân nghỉ việc. Ngoài ra, rất nhiều công ty hoạt động cầm chừng, lương công nhân cũng chẳng được bao nhiêu.
Anh Lê Văn Tiến làm công nhân ở Công ty cổ phần Thủy sản P.Đ (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP. Cần Thơ) hơn 5 năm nay. Lúc mới vào làm lương của anh khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mấy tháng nay do công ty làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng nên lương giảm xuống còn 1,5 triệu đồng, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn không đủ ăn.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), rất nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu chỉ còn chạy 10- 30% công suất.