Theo ghi nhận của PV Dân trí, thời gian qua, người dân ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Hậu Giang đổ xô đi bắt ốc bươu vàng (OBV) ở ruộng, ao hồ để bán cho các thương lái với số lượng rất lớn.
Một người dân ở xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp) cho biết, mỗi ngày một người có thể bắt vài chục ký OBV là bình thường. Cũng theo người dân ở xã Tân Bình, người dân ở đây không chỉ bắt bằng tay từng con một mà còn dùng lưới để cào nên số ốc bươu vàng bắt được rất nhiều.
Bắt OBV ở đồng ruộng.
Theo tìm hiểu của PV, số OBV sau khi bắt về sẽ được người dân luộc sơ qua rồi lễ lấy nguyên phần thịt bên trong, sau đó ngắt lấy phần thịt đầu làm sạch rồi mang bán cho các thương lái. Giá thịt OBV dao động từ 12.000 đồng- 15.000 đồng/kg tùy theo loại lớn hay nhỏ.
Tiếp xúc với PV, nhiều người dân cho rằng, họ chỉ bán OBV cho các cơ sở thu mua ở địa phương, còn sau đó OBV được bán cho ai thì họ không biết. “Tôi cũng chỉ nghe nói là thịt đầu OBV sẽ được các cơ sở thu mua bán lại cho các thương lái Trung Quốc chứ chưa thấy họ bán ra sao cũng như chưa thấy họ (thương lái Trung Quốc- PV) xuống trực tiếp để mua của người dân”, một người dân ở huyện Long Mỹ cho biết.
Người dân đang lễ lấy thịt OBV.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại tỉnh Hậu Giang, tình trạng thua mua OBV ở huyện Long Mỹ là rôm rả hơn cả. Qua thống kế của ngành chức năng huyện Long Mỹ, trên địa bàn huyện hiện có đến 18 điểm thu mua OBV. Mỗi ngày, trung bình một cơ sở thu mua khoảng 1- 3 tấn OBV, một số lượng không nhỏ.
Theo một chủ cơ sở thu mua OBV ở xã Long Bình (huyện Long Mỹ) cho biết, sau khi thu mua của người dân, cơ sở này cũng sẽ bán lại cho các thương lái khác là của người Việt chứ không phải thương lái Trung Quốc. Sau đó, thương lái này có bán cho phía thương lái Trung Quốc hay không thì chủ cơ sở này cũng không rõ vì chủ yếu giao dịch mua bán ở TPHCM.
Qua ghi nhận của PV, hiện việc thu mua OBV vẫn đang diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Hậu Giang. Chính việc mua bán này đã phần nào tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương trong mùa nước nổi. Theo ước tính của chúng tôi, một người đi bắt OBV vàng mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng.
Một điểm thu mua OBV ở Hậu Giang.
Trao đổi với PV Dân trí về tình hình mua bán OBV ở huyện Long Mỹ, ông Lê Hồng Việt- phó Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ- cho biết, việc mua bán OBV trên địa bàn huyện đã diễn ra từ một vài năm qua. OBV được người dân bán cho thương lái trên địa bàn, sau đó thương lái bán tiếp cho cơ sở thu mua khác ở TPHCM.
Theo ông Việt, việc người dân bắt OBV cũng góp phần nào tiêu diệt sinh vật này, bảo vệ môi trường, mùa màng. Tuy nhiên, ông Việt cũng thừa nhận, việc người dân đổ xô đi bắt OBV vàng rồi bán có giá cũng khiến địa phương lo lắng vì có nguy cơ người dân sẽ gây nuôi để có thêm nguồn bán. “Cho đến nay qua rà soát trên địa bàn huyện thì chưa phát hiện trường hợp nào nuôi OBV. Trong việc này, huyện cũng đã chỉ đạo các xã theo dõi sát sao, nếu phát hiện người dân gây nuôi sẽ can thiệp xử lý ngay”, ông Việt nói.
Còn về thông tin OBV bán cho thương lái Trung Quốc thì theo ông Việt cho biết, ông cũng chỉ nghe nói chứ chưa có thông tin chính xác. “Chúng tôi đã có nhờ cơ quan phụ trách lĩnh vực thủy sản của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang liên hệ với ngành thủy sản cấp trên theo dõi việc này nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì”, ông Việt cho biết.
Trong khi đó, ông Võ Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang- cũng cho hay, thông tin về việc OBV bán cho thương lái Trung Quốc cũng chỉ nghe nói chứ chưa có cơ sở xác định.
Lãnh đạo ngành NN&PTTN tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, chưa phát hiện trường hợp nào thương lái người Trung Quốc xuống thu mua trực tiếp OBV của người dân.