Vào mùa mưa, những biến đổi đột ngột về môi trường như: nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ trong, độ mặn... là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các tác nhân gây bệnh trong nước có điều kiện phát triển và xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh. Bên cạnh đó, vào những ngày mưa diễn ra liên tục, lượng nước mưa lớn cục bộ sẽ gây ra hiện tượng tràn bờ, gây thất thoát thủy sản nuôi và thiệt hại cho người nuôi thủy sản.
Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc khuyến cáo người dân thực hiện một số nội dung sau:
I. Khuyến cáo mùa vụ nuôi cá trên ruộng lúa
Hiện nay, mùa vụ nuôi cá trên ruộng lúa đã bắt đầu, để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên nuôi kết hợp nhiều đối tượng như cá trê vàng, cá lóc, thát lát, rô đồng... nuôi ghép với cá sặc rằn, rô phi, chép, trôi, mè. nhằm đa dạng hóa sản phẩm đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi. Trong đó đối tượng nuôi chính nên chiếm trên 50% mật độ nuôi.
Một số công thức nuôi kết hợp như sau:
+ 70% cá trê vàng, 20% cá sặc rằn, 10% cá chép.
+ 70% cá lóc, 20% cá sặc rằn, 10% cá chép.
- Nên nuôi cá theo hình thức quảng canh cải tiến (có bổ sung thức ăn) nhằm tăng hiệu quả cho mô hình đồng thời tận dụng nguồn thức ăn tươi sống sẵn có tại địa phương như ốc bươu vàng... nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
- Thả cá giống có kích cỡ, khối lượng lớn để giảm tỷ lệ hao hụt và thu hoạch cá lớn bán có giá cao.
- Đối với những ruộng lúa có nhiều tép, cá nhỏ, cua, ốc nên chọn các loài cá lóc, cá thát lát, cá rô đồng, cá chép làm đối tượng chính. Đối với ruộng có nhiều mùn bã hữu cơ nên chọn các loài cá trê vàng, cá rô phi, cá mè làm đối tượng chính.
- Ruộng nuôi phải bảo đảm chắc chắn, không rò rỉ nước. Sử dụng lưới bao xung quanh ruộng để tránh cá thất thoát hoặc địch hại xâm nhập.
- Nên có ao riêng để ương cá trước khi chuyển lên ruộng và trữ cá trong trường hợp giá cá thấp.
- Có thể áp dụng nuôi chuyên cá trê vàng, cá lóc trên ruộng lúa theo hình thức “hoang dã hóa”: Cá được nuôi trong ao/ vèo đặt trong ao hoặc trong mương bao của ruộng khoảng 2 - 3 tháng (sử dụng thức ăn công nghiệp), sau đó chuyển cá lên ruộng để cá sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn (giảm lượng thức ăn công nghiệp), hoạt động bơi lội ngoài môi trường tự nhiên sẽ giúp cá thon gọn, thịt chắc, có chất lượng tương tự như cá đồng. Ở hình thức này có thể tạo thêm thức ăn cho cá bằng cách thả cá rô phi trên ruộng 2 - 3 tháng trước khi chuyển cá trê vàng, cá lóc lên ruộng nhằm tạo thêm nguồn thức ăn cho cá.
Các biện pháp quản lý thủy sản nuôi trong mùa mưa
1.Hình thức nuôi thủy sản trong ao
- Đối với thủy sản đang nuôi, chưa đến thời điểm thu hoạch: Người nuôi cần phải gia cố bờ ao, rào lưới chắn xung quanh ao cao hơn mực nước ít nhất 0,5m, chân lưới âm sâu trong đất 0,3m; kiểm tra cống bọng; đồng thời phát quang cây cối xung quanh ao nuôi để tránh cành lá rơi xuống ao gây ô nhiễm môi trường ao nuôi và để phòng khi gió to cây có thể đổ làm vỡ bờ ao gây thất thoát thủy sản nuôi. - Rải vôi sống (CaO) xung quanh bờ ao trước khi mưa để hạn chế nước rửa trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi; định kỳ 2 lần/tuần bổ sung vitamin, men tiêu hóa, chất khoáng vào thức ăn để phòng bệnh, giúp cá, tôm cải thiện sức đề kháng và tăng trưởng tốt; đồng thời tiến hành kiểm tra một số chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 - 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước mới khi cần thiết.
2. Đối với hình thức nuôi thủy sản trên ruộng lúa:
Để tránh trường hợp thủy sản nuôi thất thoát ra ngoài tự nhiên. Người nuôi cần thực hiện đầy đủ các biện pháp sau:
- Tiến hành tu sửa bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước từ 0,5 m trở lên, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí đủ cống thoát nước.
- Căng lưới bao xung quanh ruộng nuôi và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống chân lưới; kiểm tra hệ thống cống bọng và gia cố lại những nơi xung yếu để tránh tình trạng vỡ bờ.
- Cần thả giống đúng thông báo lịch mùa vụ, nên thả giống cỡ lớn để rút ngắn thời gian nuôi và khẩn trương thu hoạch khi cá đạt kích cỡ thương phẩm.
3. Đối với mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa
-Tăng cường gia cố, tu sửa bờ bao, cống cấp thoát nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
- Khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn, độ trong…để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Chú ý rải vôi xung quanh bờ ruộng để hạn chế nước mưa rửa trôi phèn xuống làm biến động pH môi trường nuôi; sau các trận mưa lớn nên rút bớt nước tầng mặt hoặc bổ sung nước mặn để hạn chế hiện tượng phân tầng nước trong ruộng nuôi. Đồng thời định kỳ 7 - 10 ngày bổ sung khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Đối với mô hình nuôi tôm nước lợ: để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ruộng nuôi, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và đảm bảo mực nước trên mặt trảng ruộng tối thiểu 0,5m, mực nước ở mương bao cao hơn 1m so với mặt ruộng; đồng thời cần chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất; tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm nuôi khi thời tiết thay đổi bất thường.
4. Đối với hình thức nuôi thủy sản lồng/bè trên sông
- Kiểm tra lại lồng/bè; gia cố lại hệ thống phao, dây neo và di chuyển vào nơi ít gió, có dòng chảy nhẹ để tránh giông gió làm hư hỏng bè. Trong trường hợp không thể di chuyển lồng bè cần giảm độ sâu của lồng bè để hạn chế sóng, gió.
- Thường xuyên vệ sinh lồng/bè sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho thủy sản nuôi.
Với chủ cơ sở nuôi: Tuyệt đối không ở lại chòi canh lồng/bè khi có mưa, bão lớn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi; cần có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn trên bè…Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước trên các tuyến sông rạch và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả. - Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.
5. Đối với phần diện tích chưa thả giống
- Hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo công trình nuôi theo quy trình kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng nuôi.
- Trước khi thả giống cần kiểm tra các thông số môi trường để điều chỉnh đến khi có giá trị nằm trong giới hạn phù hợp mới thả giống.
- Thực hiện ương cá giống trong vèo trước khi thả nuôi thương phẩm (nếu cần thiết).
6. Biện pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi trong mùa mưa, bão
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi mực nước, màu nước trong hệ thống nuôi để kịp thời điều chỉnh; theo dõi thời tiết nhất là những thời điểm giao mùa để điều chỉnh môi trường, lượng thức ăn cho phù hợp.
- Đảm bảo môi trường nuôi sạch, an toàn bằng các biện pháp như: Định kỳ 7 - 10 ngày/lần sử dụng vôi đá (CaCO3) hoặc Dolomite (CaMg(CO3)2) hòa tan vào nước và tạt định kỳ cho ao nuôi, liều lượng 2 - 4 kg/100m3 nước. Có thể định kỳ sử dụng Zeolite, chế phẩm sinh học để hấp thu các độc tố (NH3, NO2, H2S), làm sạch nền đáy.
- Đối với nuôi cá lồng/bè cần sử dụng hoá chất treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong túi treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Treo túi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè. Liều lượng sử dụng là 2 - 4 kg /10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác.
- Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như: bổ sung vitamin trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường và bảo vệ hệ tiêu hóa. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.