Cá chình là thức ăn cao cấp, cho giá trị kinh tế cao; nhưng cũng giống như tôm hùm, loại cá này chỉ sinh sản trong môi trường tự nhiên. Khi cá đạt khoảng 50-100gr, người dân mới bắt và nuôi lớn cho đạt trọng lượng 1,2kg để làm thực phẩm. Từ trước tới nay, cá giống từ dạng bạch tử (cá bột 0,1gr) đến dưới 50gr sống trong môi trường ao nuôi đều chết 100%. Chính vì vậy, nguồn giống khan hiếm, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.
ThS Nguyễn Đặng Huỳnh cho biết: Cả nước chỉ có vùng biển 4 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định có nguồn cá bạch tử dồi dào. Bà con mình vẫn dùng lá trà kết bè làm chỗ trú cho chúng rồi vớt bán cho các nơi khác làm nguồn giống với giá rẻ chỉ từ 900-1.000 đồng/con; sau đó mua lại giống về nuôi với giá 64.000-135.000 đồng/con.
Hiện chỉ có Viện Thủy sản 3 và một số trung tâm giống thủy sản ở miền Nam mới có nguồn cung cấp giống cá này ổn định. Một số doanh nghiệp ở tỉnh ta, để được chuyển giao quy trình ươm tạo giống cá chình đã phải trả hàng trăm triệu đồng.
Cá nhân tôi khi tiếp cận với những thông tin này đã băn khoăn tại sao Phú Yên được thiên nhiên phú cho nguồn giống cá bạch tử dồi dào lại không tự thuần hóa được mà phải đi mua lại. Tôi mong muốn có thể chủ động được nguồn giống với giá bình dân để mọi hộ nuôi ở tỉnh đều có được nguồn giống chi phí thấp.
Bắt tay vào làm, sau gần 1 năm nghiên cứu, ông Huỳnh đã thành công. Hiện ông Huỳnh có 5 hồ với tổng diện tích 200m2 tại khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, nuôi 5.000 con cá giống được thuần hóa từ cá bạch tử và 1.000 con cá chình thương phẩm bắt từ tự nhiên.
Chia sẻ về quá trình thuần hóa cá chình từ tự nhiên sang sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường ao nuôi, ông Huỳnh nói: Trải qua một hai lần thất bại, tôi mới có được thành quả ngày hôm nay. Lần đầu tôi đầu tư 10.000 con cá bạch tử mang về hồ nuôi, sử dụng nguồn nước và mô phỏng môi trường tự nhiên của cá, nhưng chúng không sống quá được 3 tháng, tôi mất trắng. Lần hai, tôi nuôi quy mô nhỏ hơn 2.000 con trong bể tại nhà.
Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, trên cơ sở nghiên cứu khoa học về hóa sinh trong môi trường sống của cá, cùng những quan sát tập tính ăn, ngủ, cư trú của cá…, tôi đã thành công 90%. Sau đó, tôi mới mạnh dạn đưa cá trở lại hồ nuôi. Giờ tôi tự tin khẳng định có thể thuần hóa nguồn cá bạch tử tự nhiên ươm thành nguồn giống cá chình thương phẩm.
Hộ nuôi cá chình trong tỉnh nếu có nhu cầu con giống không còn phải đi xa, giảm được chi phí đi lại và những thất thoát trong quá trình vận chuyển. Còn hộ nuôi nào có nhu cầu ươm cá bạch tử thành cá giống, tôi cũng có thể chuyển giao quy trình kỹ thuật.
Nói về hiệu quả kinh tế, theo ông Nguyễn Văn Sửu ở thị trấn La Hai, một hồ nuôi 60m2, cá giống từ 1.800-2.000 con, giá 64.000 đồng/con thì hết 120 triệu tiền giống. Sau 12 tháng thu về trên dưới 1 tấn cá, bán sỉ tại trại thu về 460 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng từ 200-250 triệu đồng/năm. So với nuôi 10 con bò, bỏ vốn từ 120-150 triệu đồng, sau một năm bán được 350-400 triệu đồng, trừ chi phí lãi cao nhất chỉ ở mức 150-200 triệu đồng. Trong khi đó, một người nuôi cá chình cũng có thể nuôi được từ 5-10 hồ một lúc. Đặc biệt, nếu tự thuần hóa được từ con bạch tử thì hộ nuôi còn lãi cao hơn nữa.
Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Địa phương khuyến khích nhân rộng mô hình này. Đây là mô hình mà người dân chủ động được nguồn giống, nắm chắc kỹ thuật nuôi, mở đầu cho xu hướng đầu tư sản xuất có quy mô theo hướng bền vững. Sự thành công của mô hình đã giúp địa phương đa dạng cơ cấu vật nuôi, đặc biệt là những vật nuôi có giá trị kinh tế cao.