Ví dụ gia đình anh Nguyễn Văn Hợp ở khu 5, xã Quang Húc, năm 2011 được Liên minh HTX và Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ tổ chức đi tham quan mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn ở Hải Dương. Sau khi trở về, anh Hợp đã làm 5 lồng nuôi cá trên sông Bứa. Vụ đầu thả 1,2 vạn con cá lăng và 1,7 vạn cá rô phi đơn tính, với thức ăn cho cá là cám công nghiệp. So với cách nuôi truyền thống thì nuôi theo phương pháp công nghiệp hiệu quả cao hơn nhiều lần, trung bình mỗi năm thu được 200 triệu đồng/lồng.
Ông Vũ Tiến Triệu, Phó chủ tịch UBND xã Quang Húc, cho biết: Hiện nay, toàn xã đã có 16 hộ tham gia nuôi cá lồng với hơn 100 lồng. Đây cũng là mô hình kinh tế mới, mang lại thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế nông thôn mới. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận vay được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần sớm quy hoạch vùng nuôi thả cá lồng, quản lý nguồn nước, tăng cường cán bộ kỹ thuật, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản cho các hộ chăn nuôi…