Hộ anh Tiếp thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ thuỷ sản về chuẩn bị bể nuôi, thả giống, chăm sóc và quản lý đàn lươn 9.800 con lươn giống, kích cỡ 150- 200con/kg, mật độ thả 49 con/m2. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên lươn sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 6 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng bình quân từ 0,2-0,25 kg/con, tỷ lệ sống đạt 75%, sản lượng đạt gần 1.390kg lươn. Giá bán hiện nay từ 170.000-180.000đ/kg thì thu được 236 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ước tính thu được lợi nhuận 100 triệu đồng.
Theo cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, nuôi lươn trong bể không cần bùn rất đơn giản. Bể nuôi có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng nuôi lợn không sử dụng hoặc tận dụng góc vườn lót bạt để nuôi lươn. Bể nuôi lươn có diện tích từ 7- 10m2 là phù hợp, dễ quản lý, dưới đáy bể có ống thoát nước, ở trên có gắn đường nước vào thuận lợi cho việc thay nước. Trước khi thả lươn giống bơm nước vào để ngâm bể khoảng 1 tuần rồi rửa sạch bể và xả hết nước, sau đó bơm nước mới vào. Trong bể đặt những vỉ tre, búi nilon làm nơi trú ẩn cho lươn. Mỗi bể thả nuôi 1.000 con lươn giống. Mức nước trong bể nuôi khoảng 20-25cm. Định kỳ hàng ngày thay toàn bộ nước trong bể vào buổi sáng để nước luôn trong sạch.
Muốn lươn nhanh lớn, tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là chọn giống, lươn giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, không xây xát. Bên cạnh việc chọn giống, nước sạch cũng là một yêu cầu quan trọng vì nếu nước bẩn, lươn sẽ bị mắc bệnh và chết. Trong quá trình chăm sóc thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện lươn bị bệnh để tách riêng xử lý. Cần cho lươn ăn đúng giờ, ngày 2 lần sáng, tối. Thức ăn của lươn là cá tạp, ốc bươu vàng xay nhuyễn và trộn thêm bột cám để tạo độ dẻo, thức ăn được đặt trên vỉ để tránh thất thoát. Cứ trung bình 4 kg thức ăn thì cho 1 kg lươn thương phẩm. Cho lươn ăn theo “4 định” định khối lượng thức ăn, định chất lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn thì lươn rất nhanh lớn.
Anh Tiếp cho biết: “Lươn nuôi rất đơn giản, lươn hầu như không bị bệnh, nếu có thường chỉ là bệnh ngoài da, bệnh ký sinh trùng hoặc đường tiêu hoá nhưng rất dễ điều trị. Nuôi theo mô hình lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc, nhu cầu tiêu thụ loại lươn này rất lớn “cung không đủ cầu”, tận dụng được diện tích đất nhỏ trong gia đình để nuôi”.
Bí quyết để đem lại thành công trong mô hình này là phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc. Dự định trong thời gian tới anh Tiếp sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi lươn và đưa thêm con chạch đồng, con ếch vào nuôi. Từ kết quả bước đầu, mô hình được nhiều người dân trong ngoài huyện đến tham quan, học hỏi nhân rộng.
Theo ông Ngô Thanh Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh, nuôi lươn không bùn hiện cho kết quả rất khả quan, dễ áp dụng trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giữ môi trường trong sạch. Mô hình này có thể tận dụng công lao động nhàn rỗi tại nhà, giá thành thấp nhưng thu nhập cao, mô hình cần nhân rộng để giúp bà con tăng thu nhập.