Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD-Trà Vinh, cho biết Ban điều phối Dự án tiếp tục xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và đầu tư sinh kế bền vững cho cộng đồng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Dựa vào kết quả do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh khảo sát tại 30 xã trên địa bàn tỉnh, Ban điều phối Dự án sẽ xây dựng và thống nhất mức trần kinh phí hỗ trợ cụ thể cho 28 mô hình; trong đó có 13 mô hình sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, bảy mô hình chăn nuôi và tám mô hình thủy sản được đánh giá thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như chuyên canh rau, màu trên đất trồng lúa kém hiệu quả, trồng ngô giống, trồng lạc và dưa hấu tiết kiệm nước có thể nhân rộng ở khu vực đất giồng cát và triền giồng ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải - các địa phương thường xuyên bị thiếu nước tưới trong mùa khô.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được hỗ trợ, gồm chăn nuôi lợn sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, nuôi bò cái sinh sản, nuôi bò thịt, chăn nuôi dê, nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học kết hợp với thả cá và chăn nuôi gà thả vườn.
Ở lĩnh vực thủy sản, các mô hình hiệu quả được hỗ trợ gồm nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng sinh thái lợ và mặn, nuôi cá tai tượng trong mương vườn, nuôi sò huyết trên triền sông dưới tán rừng, nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi, nuôi cá thác lác, mô hình lúa-tôm.
Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo các mô hình trên được Ban quản lý Dự án AMD-Trà Vinh xét duyệt sẽ được Quỹ đồng tài trợ mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (Quỹ CCA) hỗ trợ không hoàn lại tối đa 50% tổng chi phí kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Những hộ cá thể được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/hộ; những tổ, nhóm được hỗ trợ tối đa 750 triệu đồng/tổ, nhóm; số tiền còn lại do người hưởng lợi đóng góp.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, các địa phương tham gia dự án còn được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển giải ngân nguồn vốn gần 14 tỷ đồng cho các nhóm tiết kiệm tín dụng, nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất đúng mục đích và hiệu quả để thoát nghèo bền vững.
Dự án AMD-Trà Vinh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 trên địa bàn 30 xã của bảy huyện trong tỉnh với 15.000 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi, do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ.
Tổng vốn đầu tư của dự án 521 tỷ đồng; trong đó vốn vay của IFAD hơn 233 tỷ đồng, vốn tài trợ không hoàn lại hơn 126 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 79 tỷ đồng và nguồn đóng góp của người dân được hưởng lợi hơn 81 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu./.