Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, hiện tỉnh có 35 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư thâm canh nuôi cá với quy mô khá lớn, chiếm 55% lồng nuôi và 67% sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2018 - 2020, Hòa Bình thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư nuôi trồng thủy sản đối với các dự án nuôi thâm canh tập trung với mức hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng.
Cụ thể gồm: Hệ thống cấp thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải.
Đối với dự án nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa thuỷ lợi có mức hỗ trợ 80% chi phí mua lồng nuôi nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Hòa Bình là tỉnh miền núi có lòng hồ thủy điện với diện tích mặt nước rộng, nhiều ao hồ, sông suối phù hợp phát triển nuôi trồng thủy sản.
Cá trên hồ Hòa Bình thuộc vùng nước sạch, không sử dụng chất kích thích, kháng sinh nên nhiều loại cá sông Đà có thương hiệu như: Cá chiên, lăng, tầm, trắm đen...Năng suất và chất lượng cá đạt tốt đã có chỗ đứng trên thị trường và hệ thống siêu thị tại Hà Nội.
6 tháng đầu năm, ngư dân tỉnh Hoà Bình thu hoạch trên 4.000 tấn cá; trong đó, sản lượng khai thác tự nhiên 1.000 tấn, sản lượng nuôi trồng 3.000 tấn.
Giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 110 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Các cơ sở sản xuất cá giống đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các địa phương.
Chi cục thủy sản tỉnh làm tốt công tác kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường thủy sản, không để dịch bệnh lớn, cá chết hàng loạt xảy ra.
Năm trước, UBND tỉnh Hòa Bình dành ngân sách trên 17 tỷ đồng hỗ trợ 946 hộ dân thuộc huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và Thành phố Hòa Bình phát triển thêm 1.745 lồng cá trên khu vực hồ Hòa Bình.
Hiện toàn tỉnh có 2,6 nghìn ha diện tích mặt nước và trên 4000 lồng nuôi cá.