Hội nghị Triển khai sản xuất tôm và nuôi biển năm 2022 được tổ chức tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.
Quảng Ninh có 2.077 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài 250 km, có 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú; là cửa ngõ của các nước AsEan và là trung tâm trung chuyển hàng hoá xuất khẩu của Miền Bắc sang thị trường quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc. Đây là những tiềm năng và lợi thế đặc biệt, có trong phát triển kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng của Quảng Ninh.
Năm 2021, ngành nuôi tôm và nuôi biển tỉnh Quảng Ninh được triển khai trong điều kiện khá thuận lợi về thời tiết, tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; dịch bệnh ở tôm nuôi và cá biển luôn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều, nhưng chưa phù hợp với nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường.
Trước đó cùng ngày, các đại biểu đã đến thăm, kiểm tra thực tế sản xuất tại Công ty CP chế biến thủy sản BNA (huyện Ba Chẽ).
Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ (Cụm Công nghiệp Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) là một trong số ít các doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất.
TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tich Hiệp hội nuôi biển VN phát biểu ý kiến khi đến thăm, kiểm tra thực tế sản xuất tại Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh (huyện Đầm Hà).
Các đại biểu thăm quan, kiểm tra thực tế sản xuất tại Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh (huyện Đầm Hà).
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Tép Bạc tại hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thuỷ sản, các Hiệp hội ngành thuỷ sản, chuyên gia và doanh nghiệp, nhà đầu tư về lĩnh vực nuôi biển tham gia ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp, định hướng nâng cao hiệu quả trong sản xuất nuôi tôm và cá biển tại Quảng Ninh. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch, phối hợp xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn, chuyển nuôi biển tự phát, quy mô nhỏ sang nuôi thương mại, quy mô lớn; thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát huy hạ tầng các trung tâm sản xuất tập trung; đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất tới cung ứng giống, thức ăn, vật liệu đầu vào cho đến chế biến và thương mại…
Đồng chí Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Mai Minh Mẫn, Đại diện Công ty TNHH Tép Bạc trình bày tham luận tại hội nghị.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sản xuất tôm đạt 24.500 tấn, tăng 74% năm so với năm 2021, diện tích đạt 7.500 ha. Tổng diện tích nuôi biển đạt 12.950 ha (nuôi nhuyễn thể 9.250 ha, nuôi cá biển 1.200 ha và khoảng 14.500 ô lồng); sản lượng 52.400 tấn.
Định hướng của Quảng Ninh là phát triển toàn diện lĩnh vực nuôi tôm và nuôi biển theo hướng xã hội hóa; tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại; nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên biển gắn với tái tạo và bảo vệ nguồn lợi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các thông số không gian biển, tích hợp vào quy hoạch chung, nghiêm khắc xử lý các vi phạm trong quy hoạch thủy sản; tăng cường thu hút đầu tư vào thủy sản, ưu tiên các mô hình hợp tác công - tư, các mô hình sản xuất theo chuỗi; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ để đưa ngành thuỷ sản phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đạt được mục tiêu đề ra.