Nghề nuôi tôm, cá lồng bè khởi phát ở vịnh biển Vũng Rô gần chục năm nay, nhưng đến tháng 6/2012, khi báo chí phát hiện sự có mặt trái phép của một số người nước ngoài trên lồng bè của ba doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (NTTS), thì các cơ quan chức trách ở Phú Yên mới giật mình phát hiện lồng bè tôm, cá chen nhau trên vịnh biển với mật độ dày.
Đến thời thời điểm này, với diện tích 1.640ha mặt nước, Vũng Rô có tới 355 bè với 8.660 lồng tôm, cá hình thành tự phát, không có giấy phép NTTS và 3 doanh nghiệp được Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên cấp giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh NTTS là doanh nghiệp tư nhân Mỹ Ngọc, Vĩnh Tín và Công ty TNHH Thuận Hoàng. Và theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, toàn bộ lồng bè tôm, cá nêu trên phải di dời khỏi vịnh Vũng Rô trước tháng 10/2013 vì đó là nơi quy hoạch xây dựng cảng biển tổng hợp.
Đến Vũng Rô giữa tháng 8/2013, chúng tôi được biết ngoài những người dân Phú Yên, còn có không ít người từ Khánh Hòa đến Vũng Rô nuôi tôm, cá. Chỉ tay về phía những con cá bớp đang bơi lội trong lồng, ông Phạm Sào, trú ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bày tỏ: “Gần chục năm bám trụ ở đây để mưu sinh, vốn liếng dành dụm bao nhiêu đều ném hết vào bè, ngay cả nhà đất cũng đã thế chấp ngân hàng để vay vốn. Ba năm nay, giá cá bớp biến động bất thường nên gia đình tui lâm cảnh khốn khó, trong khi nợ vay ngân hàng vẫn còn bảy chục triệu. Sắp tới chưa biết phải di dời về đâu…”.
Anh Nguyễn Văn Lộc, trú ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ, 4.000 con tôm hùm và gần 1.000 con cá bớp gia đình anh thả nuôi trong 123 lồng đã ngốn bạc tỷ, bây giờ di dời sẽ không tránh khỏi thiệt hại nặng do tôm cá bị “động”, thay đổi môi trường, chi phí cẩu kéo… Tuy nhiên, vấn đề “nóng” nhất là chưa có điểm đến cho hàng ngàn lồng tôm cá, mặc dù UBND huyện Đông Hòa “hiến kế” di dời đến vùng biển Lao Mái Nhà, xã An Hải, huyện Tuy An và vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu.
Trong khi đó ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho rằng, dịch bệnh tôm hùm sẽ xảy ra nếu vịnh Xuân Đài phải tiếp nhận thêm vài trăm lồng tôm, cá đến từ Vũng Rô, và lúc đó sẽ phát sinh thêm những vấn đề về trật tự xã hội khi những vụ tranh chấp vùng nuôi xảy ra. Theo chỉ đạo của chính quyền thị xã, UBND xã Xuân Phương và phường Xuân Đài đã lập biên bản, xử phạt hành chính 12 chủ bè nuôi tôm, cá mới di dời đến vịnh Xuân Đài, vì không có giấy phép NTTS. Ở phía Nam, ông Trương Thái Hùng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo ngăn chặn một số người mới di dời lồng bè tôm, cá vào vùng biển Đầm Môn…
Do chưa có điểm đến nên chủ nhân hơn 8.600 lồng tôm, cá ở vịnh biển Vũng Rô đang vấp phải khó khăn, lúng túng. Trả lời báo chí, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, toàn bộ lồng, bè tôm, cá ở Vũng Rô phải tháo dỡ, di dời trước ngày 31/10 mà không có bất cứ một khoản bồi thường, hỗ trợ nào. Đến nơi nào thì Chủ tịch huyện, thị xã nơi đó giải quyết nếu phù hợp với quy hoạch, mật độ NTTS, môi trường…
Ông Trần Kim Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, các vùng NTTS ở địa phương đã “quá tải”, nên quan điểm của huyện kiên quyết không tiếp nhận lồng bè tôm, cá của người dân ở nơi khác di dời đến để tránh xảy ra những cuộc tranh chấp mặt nước, phá vỡ quy hoạch NTTS và tạo nguy cơ gây dịch bệnh. Trước những động thái đó, nếu không tìm được nơi di dời đến thì người nuôi tôm, cá ở Vũng Rô không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tháo dỡ lồng, bè bán phế liệu, còn tôm, cá cũng phải bán tháo để vớt vát phần nhỏ trong nguồn vốn đầu tư tiền tỷ…