Liên kết để tồn tại, phát triển
Là điểm sáng về phát triển Hợp tác xã (HTX) kiểu mới của TP Hà Nội, HTX Chăn nuôi Hoàng Long ở huyện Thanh Oai đã thu được thành công từ mô hình chăn nuôi lợn sinh học an toàn. HTX đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công cám ủ sinh học dùng làm thức ăn cho lợn. Sử dụng ngô, đậu tương, sắn, cám gạo không có chất kháng sinh, chất tạo nạc, kết hợp tận dụng nguyên liệu tại địa phương nên nguồn thức ăn này đã giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, HTX đã đầu tư xây dựng khu nhà giết mổ, chế biến đa dạng các loại sản phẩm như thịt lợn sạch, giò, chả, nem... mang thương hiệu A-Z. Hoạt động này đã tạo thành chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Vì vậy, trong cơn khủng hoảng giá lợn hơi vừa qua, HTX vẫn ổn định đàn vật nuôi, giá bán lợn hơi từ 35.000 đến 42.000 đồng/kg.
HTX Chăn nuôi Quý Hiền (tỉnh Lào Cai) cũng là mô hình thành công trong phát triển HTX kiểu mới. HTX đã liên kết 38 hộ chăn nuôi với tổng số vốn góp ban đầu gần 5 tỷ đồng. Đến nay, số vốn của HTX đã tăng lên gần 10 tỷ đồng, doanh số hằng năm đạt khoảng 60 tỷ đồng, thu nhập xã viên cao nhất khoảng 800 triệu đồng/năm. HTX đã xây dựng được quỹ bảo hiểm rủi ro gần 1 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho hay: Trong tiến trình tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, vai trò của các HTX, tổ hợp tác càng trở nên quan trọng bởi đã tập hợp, liên kết nông dân sản xuất theo chuỗi. Tham gia HTX, tổ hợp tác, người chăn nuôi có điều kiện được thương thảo, quyết định giá trị nông sản mình làm ra, hạn chế tiêu cực từ thương lái, đồng thời được hưởng nhiều ưu đãi giá rẻ từ mua vật tư đầu vào như giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Về phía cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm… nhanh chóng, chính xác, từ đó kịp thời đưa ra cơ chế, biện pháp điều hành.
Cần “trợ lực”
Tầm quan trọng của việc hình thành HTX, tổ hợp tác được đánh giá cao. Song thực tế cho thấy, việc hình thành HTX, tổ hợp tác trong chăn nuôi ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều dễ thấy là các HTX mới chỉ hỗ trợ thành viên “đầu vào” còn “đầu ra” của sản phẩm vẫn mạnh ai nấy lo. Qua thống kê, có 80% số HTX, tổ hợp tác trong chăn nuôi chưa bao tiêu được đầu ra sản phẩm cho nông dân. Các chính sách về vốn, đất đai, hỗ trợ khoa học kỹ thuật vẫn còn xa vời với hầu hết các HTX, tổ hợp tác. Mối liên kết giữa doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với thành viên HTX, tổ hợp tác còn lỏng lẻo...
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Chăn nuôi Cổ Đông ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: Về mặt bằng sản xuất, xã viên phải thuê với giá cao, thời hạn ngắn, không bảo đảm cho đầu tư lớn. Nguyện vọng của thành viên khi tham gia HTX là được hỗ trợ về vốn và đầu ra sản phẩm nhưng HTX chưa làm tròn. Và trăn trở này cũng là tâm tư chung của nhiều HTX chăn nuôi.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh: Việc thành lập HTX, tổ hợp tác trong chăn nuôi không khó, đối với tổ hợp tác chỉ cần 3 thành viên trở lên, còn HTX từ 7 thành viên trở lên, mọi thủ tục pháp lý đều được tư vấn, hỗ trợ để việc thành lập mới đơn giản và đúng luật. Vấn đề là các thành viên khi tập hợp nhau lại phải cùng chung ý chí, nguyện vọng nếu không khó duy trì và phát triển. Bản thân xã viên tham gia vào HTX, tổ hợp tác chăn nuôi còn mang nặng tâm lý xin - cho, chưa thực sự năng động, xây dựng HTX đúng theo tinh thần tự nguyện, cùng nhau phát triển.
Để thúc đẩy HTX, tổ hợp tác chăn nuôi phát triển bền vững, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh kiến nghị: Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật như xây dựng vùng chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; tạo điều kiện về quỹ đất cho HTX xây dựng cơ sở chế biến, dịch vụ, trạm cấp tinh giống; có chính sách tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi... Được như vậy, sự hợp lực của các HTX, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn.