Liên kết 49 chuỗi với 19,68%
Cụ thể số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Tham gia liên kết chuỗi tôm đang có 208 HTX với 136 doanh nghiệp và 58.314 nông hộ thực hiện sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tổng số chuỗi liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP được hình thành trong ngành tôm là 49 chuỗi. Tổng diện tích liên kết chuỗi tôm là 6.922 ha. Tổng sản lượng liên kết chuỗi tôm là 25.291 tấn.
“Giá trị sản phẩm sản xuất có liên kết 179.450 triệu đồng. Tổng giá trị sản phẩm tôm được sản xuất là 912.000 triệu đồng. Tỷ lệ giá trị sản phẩm tôm được sản xuất với các hình thức liên kết là 19,68%”, báo cáo viết.
Ba mô hình nổi bật
Báo cáo giới thiệu 3 mô hình HTX nổi bật đang tham gia chuỗi tôm ở ĐBSCL.
Thứ nhất là mô hình HTX Artemia Vĩnh Châu ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu): Nuôi tôm tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học để sản xuất tôm sạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Trước tiên, HTX sản xuất trứng tôm công nghệ cao có chất lượng tốt nhất thế giới: trứng Artemia nhãn hiệu “7 viên kim cương”. Tiếp đó, xây dựng được chuỗi sản xuất liên kết đồng bộ từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, quản lý chất lượng đảm bảo được sản phẩm tốt nhất. Hiện tại, HTX đã liên kết với 4 HTX trong tỉnh và 1 HTX thuộc huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) để nuôi trên 250 ha. Doanh thu hàng năm của HTX (3 năm gần đây) trên dưới 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động.
Sản phẩm tôm của HTX Artemia Vĩnh Châu tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và châu Âu gần 1 triệu USD mỗi năm. Năm 2019, HTX phát triển thêm lĩnh vực nuôi tôm công nghệ cao trong bể tròn khung nổi 500 m3 đạt kết quả rất khả quan.
Thứ hai là mô hình HTX nông nghiệp Cái Bát ở xã Hòa Mỹ (Cái Nước, Cà Mau): Nuôi tôm tiêu chuẩn ASC phục vụ xuất khẩu. Thành lập năm 2013 với 15 thành viên, với 74 ha ban đầu nuôi quảng canh theo hướng VietGAP. Từ năm 2014, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm với Công ty Minh Phú. Phía Công ty cung cấp 100% giống tôm đạt tiêu chuẩn cho các hộ và các hộ thanh toán tiền cho Công ty thấp hơn giá thị trường khoảng 2.000 đồng/kg. Tôm giống của Công ty có chứng nhận, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi tôm, Công ty Minh Phú cử cán bộ kỹ thuật xuống ao nuôi của từng hộ để hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát quy trình kỹ thuật nuôi. Đến vụ thu hoạch, Công ty mua tôm với giá cao hơn giá thị trường khoảng 2% (khoảng 2.000-3.000 đồng/kg tôm tươi).
Tôm sú nuôi quảng canh là mô hình là HTX nông nghiệp Cái Bát hướng tới
Thứ ba là mô hình HTX thủy sản Tân Phát Lợi ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau): Nuôi tôm quy mô lớn, sản lượng và lợi nhuận cao. Tổng diện tích nuôi 500 ha được ký kết hợp đồng liên kết nông hộ với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, sản lượng mỗi vụ 180 tấn với 10 sản phẩm đã đạt OCOP. Đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên trung bình 550 triệu đồng/năm.
Đề xuất Trung tâm Logistic của HTX
Để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngành tôm ngày càng hiệu quả cao, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai tổ chức sản xuất tôm thông qua HTX; thúc đẩy liên kết; phát triển vùng nguyên liệu. Chú trọng thực hiện Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ NN&PTNT, trong đó có xây dựng thí điểm Trung tâm Logistic của HTX ở tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể: “Xây dựng thí điểm Trung tâm logistic thủy sản cho HTX thủy sản Phú Hưng liên kết với khoảng 13 HTX nuôi trồng thủy sản khác ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Tạo vùng nguyên liệu tôm ổn định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc phục vụ khâu sơ chế, chế biến theo mô hình Trung tâm Logistic của HTX. Bên cạnh đó thúc đẩy liên kết, kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết lâu dài với HTX để nâng cao giá trị ngành tôm trên địa bàn”.