10 năm trước nhắc đến HTX, tổ hợp tác nông dân vẫn còn e ngại thì đến thời điểm này mô hình HTX tại huyện Đất Đỏ đã được nông dân tích cực tham gia. Theo báo cáo của huyện Đất Đỏ, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 170 thành viên; 59 tổ hợp tác với 424 thành viên. Trong số đó, một số HTX, tổ hợp tác đã chủ động đổi mới phương thức sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhờ đó doanh thu bình quân mỗi năm của các HTX, tổ hợp tác đạt từ 200 triệu đến hàng tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của xã viên 4 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình có HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len (xã Láng Dài) cũng làm ăn hiệu quả từ khi được thành lập. Ông Lê Đức Viếng, Giám đốc HTX Len cho biết, HTX Len có tiền thân là tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt với 3 thành viên. Năm 2015, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len chính thức ra đời với 12 xã viên, canh tác trên diện tích nuôi trồng hơn 23ha.
Khi thành lập HTX, Ban Giám đốc HTX chủ động tìm kiếm và liên kết với DN trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện cá lóc bông của HTX được tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và xuất sang Campuchia. “Nuôi cá lóc bông giúp đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Trung bình mỗi ao 1ha, cho thu hoạch khoảng 100 tấn cá, nếu thời điểm giá cá lóc bông cao xã viên cũng thu được khoảng vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên năm 2018, do nguồn nước cho cá lóc bông không bảo đảm phải điều tiết theo sinh trưởng của cây lúa nên diện tích nuôi cá lóc bông giảm 50%. HTX đã chuyển sang nuôi lồng ghép nhiều loại cá khác như mè trắng, trắm, mè bông. Thị trường tiêu thụ của các loại cá này cũng khá ổn định nên mỗi lứa nuôi (6 tháng) người dân thu lãi từ 80-100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Tính đến tháng 11, tổng doanh thu của các thành viên trong HTX đạt hơn 7 tỷ đồng”, ông Lê Đức Viếng cho biết.