Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, ngay sau đợt nắng nóng lại là các trận mưa tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ trong môi trường ao, đầm nuôi, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của các đối tượng thủy sản. Đây là thời điểm tôm dễ bị nhiễm các bệnh như đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh vi bào tử. Đối với các vùng nuôi cá nước ngọt, thời tiết nắng nóng làm các khí độc như H2S, NH3 sản sinh trong ao khiến các bệnh do ký sinh trùng hoặc bệnh do vi khuẩn, virus như bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột có cơ hội phát triển và xâm nhập và gây bệnh cho cá. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện vùng nuôi nào bị dịch bệnh nhưng Sở NN và PTNT đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi mùa nắng nóng năm 2018.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản giảm lượng thức ăn hoặc bỏ bữa trưa do nhiệt độ cao khiến các loài thủy sản giảm khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn. Việc điều chỉnh lượng thức ăn rất quan trọng vì trong điều kiện nhiệt độ cao thức ăn dư thừa dễ ôi thiu, gây ô nhiễm nguồn nước và làm cho thủy sản bị mắc bệnh. Hướng dẫn chủ những ao, đầm thủy sản đã bị bệnh khử trùng nước, tiêu diệt triệt để mầm bệnh trước khi thau thải nước ra ngoài, tránh lây lan dịch bệnh ra vùng nuôi. Bên cạnh đó, các hộ nuôi lưu ý, khi tôm, cá đã đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch ngay, tránh những sự cố bất lợi và dịch bệnh có thể xảy ra, bổ sung vitamin C vào thức ăn giúp thủy sản tăng cường sức đề kháng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, xã Yên Thành (Ý Yên) cho biết: “Nhờ được cán bộ kỹ thuật và địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cặn kẽ nên ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống, tôi chú ý vệ sinh đáy ao kỹ bằng vôi bột. Từ khi thả giống đến nay, mỗi tháng tôi rắc vôi bột 3 lần và sử dụng thêm một số loại chế phẩm sinh học nằm trong danh mục của Bộ NN và PTNT để ổn định môi trường. Ngoài ra tôi đã thả thêm bèo tây để che chắn, tránh nắng cho các đối tượng nuôi. Trong những ngày thời tiết biến động, tôi sẽ tăng cường kiểm soát lượng thức ăn cho cá vừa phải, không để cá ăn quá no, gây hại đến đường ruột”. Theo ông Hưng, nhờ chăm sóc tốt theo đúng hướng dẫn kỹ thuật nên gần chục năm qua, chưa vụ nuôi nào của gia đình xảy ra dịch bệnh. Tại các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh mật độ cao, những hộ nuôi đã và đang tích cực bổ sung nước cho ao nuôi, duy trì mực nước trong ao nuôi luôn ổn định để tránh hiện tượng tôm bị sốc do nhiệt độ môi trường tăng cao. Ông Trần Văn Duy, xã Giao Hải (Giao Thủy) cho biết: “Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, trước khi cho tôm ăn, tôi phải kiểm tra nhiệt độ dưới ao nuôi, nếu nóng quá tôi sử dụng quạt nước tạo oxy, chờ trời mát mới cho tôm ăn và cho ăn thành nhiều bữa trong ngày nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường nước và hạn chế các bệnh phát triển. Khi có các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn trong nước có sự phân tầng là tôi phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn. Khi có dấu hiệu tôm bị bệnh tôi đều chủ động báo cho thú y địa phương, cơ quan chuyên môn phối hợp để theo dõi, kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân tôm chết, kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi”.
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN và PTNT) đang tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản trên địa bàn, thường xuyên lấy mẫu quan trắc cảnh báo môi trường, theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi để nắm bắt tình hình. Nếu gặp bất trắc trong quá trình nuôi như dịch bệnh, thời tiết… các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn kịp thời cho người nuôi. Việc chủ động phòng tránh chắc chắn sẽ giúp các hộ nuôi hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết bất thường đối với các loài thủy sản, góp phần đảm bảo kết quả vụ nuôi.