Trong hội nghị biển đảo gắn với ngư nghiệp, ngư trường, ngư dân cách đây chưa lâu, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & PTNT nhìn nhận, khai thác thủy sản Việt Nam mang nặng tư duy nghề cá nhân dân, phát triển tàu cá từ nhỏ đến lớn, ngư trường khai thác từ ven bờ khi cạn kiệt dịch chuyển ra xa hơn dần đến vùng biển xa bờ. Công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm còn hạn chế, trong vùng biển đánh bắt đã đạt đến ngưỡng sản lượng khai thác bền vững tối đa. Để phát triển kinh tế biển lâu dài, lĩnh vực khai thác hải sản cần được đầu tư phát triển theo hướng hợp tác mở rộng khai thác viễn dương. Trong đó ưu tiên hợp tác khai thác ở vùng biển các nước láng giềng và vùng biển cả. Làm được việc này cần chuẩn bị cơ sở pháp lý khi tham gia khai thác viễn dương như ký kết hiệp định song phương với các nước trong khu vực, tham gia vào tổ chức nghề cá khu vực, hiệp định nghề cá quốc tế; chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đi khai thác khi đủ điều kiện.
Trong khuôn khổ liên quan, mới đây, đề án “Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1047/QĐ-TTg. Đến năm 2020, tổ chức làm điểm 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đưa doanh nghiệp (DN) - ngư dân sang hợp tác khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nuôi trồng thủy sản ở một số quốc gia đã có thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Việt Nam, như các nước: Brunei, Papua New Guinea, Micronesia. Tiếp đó, năm 2020 - 2025, mở rộng liên kết hợp tác khai thác viễn dương ra các tỉnh ven biển: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau... với các nước khác có thỏa thuận, hợp tác nghề cá với Việt Nam. Các đối tượng tham gia hợp tác khai thác viễn dương nằm trong chuỗi liên kết (DN - chủ tàu - ngư dân) do DN chủ trì, được UBND cấp tỉnh phê duyệt, được Nhà nước hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu 1 chuyến đi cho tàu cá xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước có hợp tác khai thác; hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá; hỗ trợ 1 lần 100 % thiết bị đầu cuối giám sát hành trình có tích hợp kết nối định vị vệ tinh VMS; miễn thuế nhập khẩu đến hết năm 2020 với sản phẩm khai thác nước ngoài mang về Việt Nam, năm 2021 trở đi tiếp tục xem xét miễn thuế nhập khẩu theo tình hình thực tế…
Theo đề án trên, Bình Thuận triển khai giai đoạn 2 đưa DN - ngư dân phát triển nghề khai thác viễn dương. Hiện toàn tỉnh có tới 7.000 tàu khai thác hải sản, trong đó 2.700 chiếc công suất lớn (90 CV trở lên) đánh bắt xa bờ. Năm vừa qua, đội tàu đánh bắt xa bờ khai thác chiếm 54% sản lượng hải sản toàn tỉnh 213.000 tấn; giá trị khoảng 60% tổng giá trị hải sản khai thác. Qua đó cho thấy, đóng góp đội tàu xa bờ chưa tương xứng tỷ trọng sản lượng khai thác. Ngoài ra, việc đánh bắt bằng nghề giã cào chưa được hạn chế, làm nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt. Do vậy, việc mở rộng ngư trường, thay đổi phương thức khai thác, tăng hiệu quả đánh bắt… là vấn đề đặt ra cho phát triển nghề cá của tỉnh trong những năm tới.
Việc triển khai đề án “Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” là cơ hội các DN, nhiều ngư dân của tỉnh có đủ điều kiện tham gia nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế để phát triển kinh tế biển vững chắc, tạo việc làm cho ngư dân; chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài…