Hơn 100 đại biểu đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL và nhiều DN chế biến xuất khẩu cá tra tham gia đóng góp ý kiến.
Thực hiện Nghị định 36
Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (NĐ 36) do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/4/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2014.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: NĐ 36 nhằm hướng tới nâng cao chất lượng, thương hiệu và uy tín cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên qua thực tiễn vẫn còn một số khác biệt và phản ánh từ các DN.
Sau khi cử đoàn công tác khảo sát, kiểm tra tình hình cá tra phi lê chưa tiêu thụ tại các DN, Bộ NN-PTNT kịp thời báo cáo Chính phủ xin gia hạn thời gian áp dụng quy định (tại khoản 4, điều 14 của NĐ 36) chỉ lùi một nội dung hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng đến 31/12/2015, còn lại tất cả các điều khác đều thực hiện theo quy định.
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, kết quả triển khai NĐ 36 đến ngày 31/12/2014, các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL đã hoàn thành rà soát qui hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra.
Nhưng việc cấp mã số nhận diện và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm của từng tỉnh thực hiện có sự khác biệt. Các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và TP Cần Thơ đạt trên 80%, nhưng các tỉnh còn lại chỉ đạt 40-50%.
Nhằm hướng vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn chất lượng, đến cuối tháng 12/2014 ở ĐBSCL có trên 2.000 ha nuôi cá tra thương phẩm đạt các chứng chỉ nuôi trồng tốt (như: ASC 808 ha, GlobalGAP 927 ha, VietGAP 200 ha, BAP 125 ha và một số GAP khác 200 ha).
Trở ngại
Theo đa số ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng tại địa phương và DN, đều đồng tình, từ quá trình soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp để trình Chính phủ ban hành NĐ 36 là đúng và cần thiết để chấn chỉnh ngành hàng cá tra, chấm dứt tình trạng thả nổi chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại; đồng thời chấn chỉnh SX từ quy hoạch, cấp mã số vùng nuôi, cân đối cung - cầu sản lượng, thực hành nuôi tốt theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP… Tuy nhiên, đại diện VASEP và một số ý kiến của DN vẫn còn băn khoăn. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng: Các DN chỉ băn khoăn về quy định tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước tối đa và việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Chúng tôi đề nghị bỏ đăng ký hợp đồng xuất khẩu, vì tốn kém chi phí, giảm bớt thủ tục phiền hà cho DN.
Cá tra đang vượt khó
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng GĐ Cty CP Thủy sản Hùng Vương nói: Chúng ta đang hướng tới chất lượng cho sản phẩm cá tra, nếu thực hiện được sẽ đi trước ngành hàng lúa gạo. Điều này cũng là ý thức của DN, bởi chính DN đổ tiền và công sức đi khai thác thị trường. Hiệp hội Cá tra, VASEP đang hướng tới cộng đồng cùng phát triển ngành hàng. Tuy vậy thị trường xuất khẩu thủy sản hiện nay còn là gam màu tối.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo mong muốn nghe ý kiến trao đổi thẳng thắn từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP, các DN và người nuôi cá tra.
Vừa qua Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã cử đoàn công tác khảo sát nghiên cứu và báo cáo thực trạng về hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng để thông tin công khai với các DN, từ đó tìm biện pháp khắc phục.
Trong quá trình thực hiện NĐ 36, Bộ NN-PTNT hoan nghênh các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện nghiêm túc. Dù điều kiện còn khó khăn, các cơ quan chức năng địa phương cần tiếp tục đề xuất với lãnh đạo tỉnh sớm thực hiện việc qui hoạch, cấp mã số vùng nuôi. Đối với hai chỉ số hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng là mục tiêu hướng tới, phải minh bạch, ghi rõ các chỉ số trên nhãn hàng và sẽ đưa ra lộ trình thực hiện phù hợp.
Trong việc DN đăng ký hợp đồng xuất khẩu, nếu qui trình thực hiện phức tạp, Tổng cục Thủy sản sẽ rà soát lại để giảm bớt thủ tục, không gây phiền hà cho DN. Sắp tới Bộ NN-PTNT tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành, các hiệp hội để điều chỉnh hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện NĐ 36 trình Chính phủ phê duyệt. + Theo dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ36: Đến 31/12/2016, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp... + Theo dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 23 ngày 29/4/2014 của Bộ NN-PTNT: “Sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cao hơn qui định tại điểm b, điểm c Điều 6 của NĐ 36 (tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%, hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%) nếu phù hợp với nước nhập khẩu vẫn được tiếp tục nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2015. Từ ngày 1/1/2016 đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu tỷ lệ mạ băng không vượt quá 20%, hàm lượng nước tối đa không quá 86%".
Thứ Trưởng Vũ Văn Tám: “Trong 5 tháng qua tình hình xuất khẩu cá tra còn khó khăn. Từ nay đến cuối năm tôi đề nghị Hiệp hội Cá tra, VASEP, các địa phương và cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người nuôi. Làm thế nào giúp người nuôi giảm giá thành SX; nghiên cứu thị trường, đặc biệt tranh thủ cơ hội mới từ các hiệp định thương mại Á - Âu Chính phủ vừa mới ký kết”.
+ Theo dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ36: Đến 31/12/2016, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp...
+ Theo dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 23 ngày 29/4/2014 của Bộ NN-PTNT: “Sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cao hơn qui định tại điểm b, điểm c Điều 6 của NĐ 36 (tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%, hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%) nếu phù hợp với nước nhập khẩu vẫn được tiếp tục nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2015.
Từ ngày 1/1/2016 đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu tỷ lệ mạ băng không vượt quá 20%, hàm lượng nước tối đa không quá 86%".