Nuôi cá lóc, có phải là sự chuyển dịch phù hợp?
Lâu nay, huyện Hồng Ngự được xem là cái nôi của nghề nuôi cá tra ở Đồng Tháp. Được thiên nhiên ưu đãi nên nhiều cư dân ở vùng đất Hồng Ngự phất lên nhờ gắn bó với loài cá đặc biệt ở vùng sông Mê Kông này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nghề nuôi cá tra bước vào giai đoạn cạnh tranh và đào thải khốc liệt, các nhà nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU... ngày càng xiết chặt hàng rào thuế quan đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam, nông dân nuôi cá tra lâm vào tình cảnh khốn khó.
Trước sức ép quá lớn từ thị trường nhập khẩu, dường như các hộ chăn nuôi cá tra quy mô nhỏ không còn đủ sức để chống chọi. Và dĩ nhiên, để tồn tại, bắt buộc người nông dân phải tìm hướng đi mới, giai đoạn hiện nay, cá lóc là đối tượng vật nuôi chiếm được nhiều “cảm tình” của nông dân bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại.
Với cư dân vùng cù lao Long Phú Thuận (gồm 3 xã: Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận), huyện Hồng Ngự, nghề nuôi cá tra và ương cá tra bột dường như đã trở thành nghề gia truyền gắn liền với bao thế hệ nơi đây. Ông Nguyễn Văn Lượng, một nông dân nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá tra giống ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự tâm sự, mấy chục năm nay nghề nuôi cá tra giúp nhiều gia đình ở đây thoát được cảnh nghèo khó, có được cuộc sống khá giả, đủ đầy. Nhưng rồi khi con cá tra yếu thế, nhiều bà con bắt đầu chọn thêm những giống cá khác nuôi xen với cá tra để cầm cự qua “mùa bão”. Nhưng giá cá tra càng ngày càng rớt mạnh, có nhiều thời điểm giá cá tra thịt còn chưa tới giá thành sản xuất, người nuôi cá tra thịt lỗ nên mấy hộ nuôi cá giống cũng từ từ “dẹp tiệm”.
Hiện tại, hơn 80% diện tích ao nuôi cá tra của vùng cù lao được chuyển sang nuôi cá lóc. Hi vọng thị trường cá lóc vẫn duy trì mức giá ổn định để người chăn nuôi còn “gỡ gạt” mấy năm thua lỗ cá tra.
Với mức lợi nhuận khá hấp dẫn như hiện nay, cá lóc cũng mang đến nhiều niềm tin và ước vọng “đổi đời” cho nhiều nông dân ở khu vực biên giới xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự. Sẽ không khó để bắt gặp những ao cá lóc mới toanh, được kobe đào thẳng tắp nằm cặp bờ kênh Trung Tâm thuộc khu vực xã Thường Thới Tiền.
Ông Nguyễn Thành Đoàn, ngụ xã Thường Thới Tiền, chia sẻ: “Mấy năm nay giá lúa lên xuống bấp bênh, cứ gần thu hoạch lại phập phồng lo không bán được lúa. Chưa kể mấy năm liên tục không có lũ, dịch chuột hoành hành, làm lúa giảm năng suất rất nhiều. Nhiều lần muốn tìm mô hình khác để làm nhưng cũng không biết làm cái gì ngoài lúa. Gần đây thấy bà con nuôi cá lóc lợi nhuận cao, chỉ cần có khoảng 100 - 200 triệu đồng là có thể đầu tư nuôi hầm cá lóc gần cả tỷ đồng, vì có đại lý thức ăn bao tiêu đến cuối vụ nên không cần lo, chỉ cần nuôi cho đạt là có lời. Tôi hi vọng rất nhiều từ vụ cá này”.
Cũng theo nhiều nông dân nuôi cá lóc ở huyện Hồng Ngự, thời điểm khoảng đầu tháng 2, khi mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long bước vào giai đoạn cao điểm, nhiều tỉnh, thành của khu vực công bố bị xâm ngập mặn. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng thì diện tích thả nuôi cá lóc của bà con cũng bị chết hàng loạt, nhiều ao nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng lên tới 70 - 80%. Theo tính toán, để nuôi cá lóc vô size trung bình, nông dân phải mất từ 5 - 6 tháng. Do đó, giá cá lóc sốt mạnh trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng từ vụ nắng nóng và xâm ngập mặn, khiến nguồn cung bị thiếu hụt, dẫn đến giá cá thương phẩm tăng vọt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đầu tháng 6/2016 giá cá lóc dao động từ 41 ngàn - 44 ngàn đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Với mức giá như hiện tại, trung bình nông dân có thể lãi 15 triệu đồng/tấn cá lóc. Thả nuôi trên diện tích 1000m2 mặt nước, nông dân có thể lãi khoảng trên 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa hay nuôi cá tra. Với mức lợi nhuận khá hấp dẫn, nhiều nông dân cũng tranh thủ đào ao, nắm bắt “cơ hội” làm giàu từ nuôi cá lóc. Theo thông tin từ thương lái thì giá cá lóc sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới.
Anh Trần Quốc Việt ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền chia sẻ: “Hiện tại, nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị xâm ngập mặn, nên không có nhiều diện tích có thể nuôi cá lóc. Trong khi đó, Đồng Tháp không bị ảnh hưởng xâm ngập mặn, Hồng Ngự lại có nguồn nước dồi dào nên tôi nghĩ đây là điều kiện thuận lợi để nuôi cá lóc”.
Tuy nhiên, hiện nay mùa mưa đang bắt đầu, tình trạng xâm ngập mặn không còn khốc liệt như những tháng cao điểm mùa khô. Vì vậy, liệu cơ hội sẽ còn mỉm cười với nông dân Hồng Ngự lần nữa khi các tỉnh ven biển lại tiếp tục nuôi cá lóc?
Phần lớn sản lượng cá lóc được tiêu thụ ở thị trường nội địa
Đầu tư tiền tỷ, mông lung thị trường
Khi được hỏi về thị trường tiêu thụ sản phẩm cá lóc, nhiều nông dân lạc quan và tin tưởng thị trường vẫn còn rất nhiều thị phần dành cho sản phẩm cá lóc. Chia sẻ với chúng tôi, anh Võ Văn Lướt, nông dân nuôi cá lóc ở xã Thường Thới Tiền bày tỏ, theo dự đoán của anh em trong nghề thì giá cá lóc sẽ còn tiếp tục leo thang. Hơn nữa, thời gian gần đây cá lóc trở thành sản phẩm được tin dùng ở thị trường TP.Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh miền Tây và Campuchia, đặc biệt khô cá lóc cũng là một kênh khá lớn giúp tiêu thụ sản phẩm cá lóc tươi.
Theo tính toán của anh Lướt, để đầu tư một ao nuôi cá lóc có diện tích khoảng 1.000m2 , nông dân phải tốn ít nhất khoảng 100 triệu đồng chi phí xây dựng cơ bản bao gồm: chi phí đào ao, đặt đường ống bơm thoát nước, khoan giếng. Khoảng 100 triệu đồng cho chi phí con giống, cuối cùng là chi phí thức ăn và thuốc phòng trị bệnh khoảng 600 triệu đồng.
Mặc dù hiện tại, giá cá lóc đang rất khả quan, song với nhịp độ phát triển diện tích như hiện nay, dường như nông dân đang rất mạo hiểm khi đầu tư nuôi cá lóc nhưng vẫn còn mơ hồ về thị trường tiêu thụ. Phần lớn diện tích nuôi cá lóc hiện nay ở huyện Hồng Ngự đều là tự phát, nông dân tự kết nối với hệ thống thương lái và các đại lý phân phối thức ăn để sản xuất. Chuỗi sản xuất bộc lộ nhiều “khoảng hở” và chính điều này sẽ dễ dàng phá vỡ liên kết khi phần lợi ích không được chia sẻ hài hòa. Sẽ quá mạo hiểm khi nông dân đổ nhiều chi phí đầu tư sản xuất nhưng con cá lóc chỉ mới dừng lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Và, sẽ ra sao nếu nông dân cứ tăng nhanh diện tích nuôi, thị trường tiêu thụ sẽ đến lúc phải bão hòa?
Theo phản ánh của UBND xã Thường Thới Tiền, ban đầu toàn xã chỉ có khoảng 20 ao nuôi. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trở lại đây nhiều hộ trồng lúa cũng bắt đầu rục rịch rủ nhau đào ao nuôi cá lóc. Hiện, toàn xã có hơn 79 ao nuôi cá lóc và đang có chiều hướng tiếp tục tăng.