Theo thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 500 hộ dân làm nghề cá, chủ yếu ở các xã Tân Mỹ, ân Nghĩa, Yên Nghiệp, Tuân Đạo, Chí Thiện, Vũ Lâm, Tân Lập... Bà Phạm Thị Minh Khuyến, cán bộ phụ trách thủy sản, phòng NN&PTNT huyện cho biết: Do đa số diện tích nuôi thủy sản của người dân là ao, hồ nhỏ quy mô nuôi chưa lớn, không có các loài cá đặc sản dẫn đến thu nhập không cao.
Ngoài ra, việc cấp thoát nước cho ao, hồ hạn chế nên không đảm bảo về môi trường cho các loài thủy sản. Hàng năm, thời tiết thường xuyên hạn hán, việc cấp nước từ các ao, hồ phục vụ cho cây lúa là chính gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích và năng suất thủy sản. Năm 2013, sản lượng nuôi thủy sản toàn huyện ước đạt 832 tấn.
Nhằm từng bước phát triển nghề cá, theo định hướng nuôi thủy sản từ nay đến năm 2020, huyện xác định tiếp tục mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản bằng cách tận dụng tối đa ao, hồ nhỏ của người dân, đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống hồ, đập không những giúp đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn để tận dụng, khuyến khích hộ dân nhận thầu hồ, đập để nuôi. Bên cạnh việc chỉ đạo người dân tận dụng diện tích ao, hồ, huyện tích cực phối hợp với ngành, cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu, thử nghiệm các loại thủy sản giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nuôi.
Trong điều kiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần phát triển nghề cá còn khó khăn, chưa có chính sách hỗ trợ về thức ăn, con giống, huyện đang tích cực đề xuất xây dựng các mô hình nuôi các loại cá đặc sản ở vùng cao nước lạnh để phát triển kinh tế; tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật về nuôi thủy sản và tiếp tục cho hộ chăn nuôi vay vốn đầu tư giống, thức ăn cho chất lượng năng suất cao để động viên người dân đầu tư cho nghề cá, góp phần mang lại thu nhập ổn định hơn.