Ngậm ngùi “treo ao”, bỏ xứ đi làm thuê
Tuyến kênh Tư Cồ thuộc ấp Hòa 1, xã Long Điền, H.Đông Hải có chiều dài gần 4 km nhưng hiện nay phần lớn đã khô cạn, nứt nẻ, bồi lắng, chỉ có vài đoạn còn nước tù đọng, ô nhiễm… người dân không thể bơm vào ao để nuôi tôm. Do kênh thủy lợi khô cạn nên gần 2 năm qua, 40/68 ha đất của 80 hộ dân ở ấp này không thể nuôi tôm, cua, cá, người dân đành ngậm ngùi “treo ao”, để đất trống, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống.
Ông Trần Phi Sơn (ấp Hòa 1) cho biết thấy kênh thủy lợi bị bồi lắng nghiêm trọng, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ nạo vét để dẫn nước vào nuôi tôm. Thế nhưng, gần 2 năm trôi qua, tuyến kênh Tư Cồ ngày càng bồi lắng, có đoạn bồi lắng cao hơn cả mặt vuông tôm... mà vẫn chưa được khơi thông.
Cùng cảnh ngộ nêu trên, hàng chục hộ dân ở xóm Lung Củi, ấp Hòa Thạnh, xã Long Điền cũng ngậm ngùi nhìn đất bỏ hoang vì không có nguồn nước bơm vào ao tôm. Ông Dương Bạch Trung (ấp Hòa Thạnh) cho biết trước đây không có kênh thủy lợi, 23 hộ dân ở đây chủ động mua phần đất của một gia đình để làm kênh phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, tuyến kênh này bồi lắng, khô cạn nên người dân không có nguồn nước để nuôi tôm. “Tuyến kênh này dài hơn
1 km nhưng chỉ có vài hộ đầu nguồn mới đủ nước nuôi tôm, còn lại bỏ đất trống. Bà con nhiều lần kiến nghị địa phương sớm tiến hành nạo vét tuyến kênh dẫn nước vào vuông để nuôi tôm, nhưng chờ mãi vẫn chưa được địa phương quan tâm đầu tư nạo vét”, ông Trung than thở.
Chờ phân bổ vốn
Về phản ánh của người dân đối với hệ thống kênh thủy lợi bồi lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, ông Quách Chí Nguyện, Chủ tịch UBND xã Long Điền, cho biết hiện trên địa bàn xã có 4 tuyến kênh bị bồi lắng, khô cạn ảnh hưởng đến hàng trăm hộ nuôi tôm của xã gồm: kênh Tư Cồ, Thọ Điền, Đầu Láng và Lung Củi.
Theo ông Nguyện, thường sau 3 năm, kênh thủy lợi được nạo vét một lần để dẫn nước phục vụ bà con nuôi tôm. Do những tuyến kênh này giáp nguồn nước nên tốc độ bồi lắng rất nhanh, có tuyến chỉ sau vài tháng nạo vét đã bồi lắng, khô cạn. Sau khi bà con phản ánh, kiến nghị, địa phương đã khảo sát, lập danh mục dự án, đề nghị huyện xem xét phân bổ nguồn kinh phí để sớm nạo vét, khơi thông dòng chảy, đáp ứng đủ nguồn nước nuôi tôm cho người dân. “Các tuyến kênh trên có nguồn vốn đầu tư lớn, do huyện và tỉnh quản lý đầu tư. Do đó, địa phương sẽ đôn đốc, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai nạo vét, khắc phục tình trạng người dân “treo ao”, bỏ đất hoang, nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn và khôi phục sản xuất”, ông Nguyện nói.