Đang mùa trăng nên nhiều tàu cá cập bờ. Ngư dân Phạm Xuân Anh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ 2 tàu lưới vây ánh sáng QNa-91759 và QNa-90359 cho biết, sản xuất đạt trong những chuyến biển vừa qua. Thu được 50 tấn cá nục, cá ngừ sau 20 ngày đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, ông Anh sở hữu 600 triệu đồng, chia mỗi lao động 20 triệu đồng. “Tôi đầu tư đầy đủ máy dò ngang, máy dò đứng, máy định vị, định dạng nên sản xuất thuận lợi. Có mẻ lưới, tôi thu được 20 tấn cá” - ông Anh cho biết. Là bạn biển với ông Anh hơn 5 năm qua, ngư dân Nguyễn Thanh Long ở thôn Sâm Linh Tây cho hay, phấn khởi với nguồn thu nhập cao. “Chuyến biển vừa qua được mùa, được giá, chúng tôi có nguồn thu lớn. Sang vụ cá bắc, sản xuất sẽ khó khăn hơn do thời tiết thất thường nhưng cá nổi hoạt động theo từng luồng lớn nên rất kỳ vọng” - anh Long nói.
Sản xuất bằng nghề lưới vây ánh sáng ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) đầu tư 2 tàu công suất lớn QNa-90315 và QNa-90578. Chuyến biển vừa qua, ông Lệ thu được 60 tấn cá ngừ, cá nục. “Tùy theo chất lượng, cá ngừ, cá nục dao động ở mức giá 25 - 30 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá cao so với đầu vụ cũng như năm trước, ngư dân chúng tôi rất vui. Qua mùa trăng này, chúng tôi sẽ khẩn trương vươn khơi bám biển để tận dụng thời điểm đàn cá hoạt động mạnh” - anh Lệ nói. Tàu cá của anh Lệ trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải hiện đại. Theo ngư dân, muốn sản xuất đạt thì phải đầu tư lớn, đặc biệt là máy dò cá ngang, quét được toàn bộ các hướng hoạt động, di chuyển của đàn cá. Các máy phát điện ở 2 tàu cá hoạt động hết công suất, nguồn sáng lớn, dẫn dụ chúng vào phạm vi vây lưới. Tời cá mới được nâng cấp có thể kéo được mẻ cá có trọng lượng đến 30 tấn. Khâu bảo quản được kiện toàn với hệ thống hầm bằng vật liệu PU, cá không bị xây xước, nâng cao giá trị sau khai thác.
Điểm chung của các tàu lưới vây ánh sáng sản xuất đạt là áp dụng mô hình tàu lớn - tàu nhỏ. Theo đó, cả 2 tàu cùng phối hợp đánh bắt hải sản. Sau đó, tàu nhỏ sẽ đưa cá về bờ, bán hải sản rồi thu mua các thực phẩm thiết yếu, đá cây, dầu để cung cấp cho tàu lớn, phục vụ chuyến sản xuất tiếp theo. Ưu điểm của mô hình này bổ trợ nhau sản xuất, nâng cao sản lượng hải sản thu được đồng thời giảm chi phí chuyến biển và tương trợ khi không may gặp sự cố trên biển. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, mô hình này không quá mới nhưng khó nhân rộng vì đòi hỏi nguồn lực lớn của chủ tàu. Chỉ các ngư dân dày dạn, sản xuất hiệu quả mới có thể sở hữu được đội tàu công suất lớn có giá trị đầu tư hơn 10 tỷ đồng. “Chủ trương của tỉnh là tạo mọi điều kiện để ngư dân khai thác hải sản theo hướng hiện đại, công nghiệp. Tuy nhiên, sớm thành hiện thực hay không phụ thuộc vào nhu cầu nội tại phát triển” - ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) nói.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành đang đẩy mạnh tái cơ cấu nghề cá theo nhiều nội dung, giải pháp. Nghề lưới vây ánh sáng sẽ được tạo đà phát triển bằng cách giúp ngư dân vay vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ ngư dân và Nghị định 17 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Công tác khuyến ngư, khuyến khích ngư dân đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất mới, phù hợp hơn cũng được chú trọng. Ngoài hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực sản xuất, hầm bảo quản hải sản mới, mô hình tàu lớn - tàu nhỏ cũng được tuyên truyền để ngư dân áp dụng, qua đó ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế thu được sau chuyến biển.