"Khu rừng nhiệt đới" dưới biển
Cá rạn san hô ở vùng biển Nha Trang đa dạng bậc nhất ở nước ta với 398 loài. Hai khu vực tập trung nhiều loài cá nhờ rạn san hô còn nguyên hiện trạng là Hòn Mun và Hòn Gốm. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng là vùng biển có nhiều rạn san hô với 219 loài cá thuộc 44 họ, trong đó có 159 loài đặc hữu. Cộng đồng sinh vật sống chung trong các "ngôi nhà san hô" gồm các loài thân mềm, động vật không xương sống, động vật giáp xác đều có giá trị kinh tế cao. Nhiều loài được xuất khẩu làm sinh vật cảnh như cá cảnh biển (CCB), đồi mồi, da gai, các loại ốc, sò, điệp, dòm. Chính vì thế, ngành khai thác, kinh doanh CCB ở các rạn san hô đã tồn tại và phát triển nhiều năm nay.
Mỗi năm, thế giới tiêu thụ khoảng 35 triệu con CCB, doanh thu đạt hàng tỷ USD. Các quốc gia xuất khẩu CCB lớn đều thuộc khối ASEAN là Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin. Ước tính hằng năm xuất khẩu cá cảnh của nước ta đạt doanh thu khoảng bốn triệu USD, trong đó CCB chiếm khoảng 10%, tức khoảng 400 nghìn USD. Thị trường tiêu dùng CCB nội địa cũng có tiềm năng rất lớn do nhu cầu của người chơi đang tăng lên. Nhiều người nuôi CCB ở Hà Nội, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh sở hữu những bể cá lớn với những bụi hải quỳ, san hô kèm theo các sinh vật biển có mầu sắc sinh động, lạ mắt như cá, cua, tôm, sao biển...
Khai thác tận diệt tài nguyên
Vùng biển miền trung nước ta có nhiều đảo lớn nhỏ, không những là nơi tập trung những loài cá san hô có giá trị về đa dạng sinh học, mà còn cung cấp nguồn CCB cho các cơ sở nuôi cá cảnh lớn như hồ cá Trí Nguyên, Bảo tàng Hải dương học và Khu du lịch Vinpearlland ở Nha Trang, hay các cơ sở nuôi - kinh doanh cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Cũng từ nguồn cá cảnh miền trung, cá được xuất khẩu sang một số nước như Nga, Nhật Bản, Xin-ga-po, Mỹ và các nước châu Âu. Nếu việc khai thác CCB có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, cùng với phát triển ngành nuôi trồng, xuất khẩu CCB thì nguồn lợi thu được sẽ không "khiêm tốn" như hiện nay. Ở Nha Trang, mùa khai thác CCB chính diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9, ước tính mỗi tháng có hơn 100 nghìn con CCB bị đánh bắt. Các loài cá lạ, san hô hiếm luôn được săn lùng gắt gao, được đặt hàng với giá rất cao, kích thích giới thợ lặn bất chấp nguy hiểm đánh bắt cho kỳ được. Ngoài các giống cá như mao tiên, nàng đào, người chơi kỳ công mua cho được giống cá họ "hoàng", như cá hoàng gia, hoàng đế, hoàng thái tử, hoàng thái hậu... giá khoảng hơn một triệu đồng/con. Chỉ riêng thành phố Nha Trang đã có hơn chục trại cá chuyên thu mua, đóng gói và xuất khẩu CCB. Tuy nhiên, hiện nay nguồn hàng khá khan hiếm. CCB đã không còn nhiều ở vùng ven biển. Các ngư dân đánh bắt phải tìm nguồn cá khai thác từ quần đảo Trường Sa.
Tiếc rằng, việc khai thác CCB vẫn chưa được quản lý, hình thức khai thác chủ yếu là người dân và khách du lịch đánh bắt trộm. Vừa bắt cá, họ vừa tận thu san hô bằng cách dùng xà-beng đào bứng cả khối san hô, hải quỳ, rong, tảo, đem lên bờ chia nhỏ ra bán. Giám đốc Khu bảo tồn vịnh Nha Trang Trương Kỉnh cho biết, dịch vụ du lịch lặn biển cũng đang làm ảnh hưởng không tốt đến quần xã rạn san hô, bởi vì khách du lịch thiếu chuyên nghiệp đã đạp gãy nhiều san hô, rồi tàu bè thả neo cũng vô tình làm hỏng san hô, phá hủy môi trường của cá rạn. Những khu vực bị tàn phá như vậy, san hô khó có thể phục hồi và các nguồn lợi đặc trưng gắn với san hô cũng sẽ biến mất.
Ðánh giá của các nhà khoa học cho thấy, có đến 95% nguồn cá cảnh thương mại được khai thác trực tiếp từ môi trường tự nhiên nơi san hô sinh sống. Việc sưu tầm cá rạn san hô ở khu vực Ðông - Nam Á đã gây ra những thiệt hại to lớn đối với môi trường biển. Kết quả nghiên cứu và giám sát bảy vùng trọng điểm ven bờ biển Việt Nam chỉ ra rằng, nạn đánh bắt hải sản với phương pháp hủy diệt bằng chất nổ và chất độc diễn ra phổ biến, khai thác san hô "cả cụm" làm đồ mỹ nghệ, hòn non bộ cùng những nguyên nhân khác đã khiến 9/10 diện tích rạn san hô ở Việt Nam đang ở tình trạng nguy cấp. Cụ thể là 96% san hô bị đe dọa, trong đó 75% bị đe dọa nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Năm 1985, san hô có mặt ở hầu khắp các vùng ven đảo ở vịnh Hạ Long, nhưng khi tiến hành khảo sát vào tháng 6-2006, hầu như không phát hiện được san hô tại khu vực này. Ði cùng với sự suy thoái của san hô trong vùng là sự vắng bóng của các loài hải sản quý và sự suy giảm sản lượng đánh bắt thủy sản nói chung.
Giải pháp khôi phục nguồn lợi từ biển
Ðể bảo vệ các rạn san hô và tìm cách phục hồi san hô bị hủy hoại, nhiều địa phương đang áp dụng giải pháp tổ chức các khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, cách làm này đang gặp khá nhiều khó khăn do mật độ đông dân cư sống ở các vùng ven biển và châu thổ cao, hoạt động kinh tế ở vùng ven biển và trên biển ngày càng tăng. Ða số người dân ở các khu bảo tồn biển còn nghèo, do đó, san hô và CCB trở thành mục tiêu "xóa đói" trước mắt của họ.
Một giải pháp khác đang được nghiên cứu áp dụng là cho sinh sản nhân tạo các loài cá cảnh và các sinh vật cảnh biển có giá trị kinh tế cao. Tiến sĩ Hà Lê Thị Lộc ở Viện Hải dương học đã cùng các đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương mại loài CCB có tên Khoang cổ đỏ ở vùng biển Khánh Hòa. Chỉ trong hai năm 2006-2008, Viện Hải dương học đã sản xuất được hơn 10 nghìn con cá Khoang cổ đỏ kích cỡ thương mại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu, đồng thời, thả phục hồi nguồn lợi tại khu bảo tồn nguồn giống Ðầm Nha Phu và Khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Mun, tỉnh Khánh Hòa. Trong giai đoạn 2007-2010, chị đã chủ trì đề tài cấp Nhà nước KC.06.05/06-10 hoàn thiện được sáu quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm của sáu loài cá cảnh, gồm cá khoang cổ nemo, cá ngựa vằn, cá thia đồng tiền, cá dĩa, cá neon, cá chép koi và đã ứng dụng di truyền trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chép koi toàn cái. Quy mô sản xuất hiện nay đạt 3.000 con cá thương phẩm mỗi năm. Ðáng chú ý, kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng sản xuất đại trà trên toàn quốc, nhất là các vùng ven biển. Những địa phương có nghề sản xuất tôm giống không hiệu quả có thể chuyển đổi sang sản xuất giống và nuôi thương phẩm ba loài cá khoang cổ nemo, cá ngựa vằn và cá thia đồng tiền. Ðây cũng là các loài cá mà thị trường cá cảnh thế giới rất ưa chuộng. Nếu nhân rộng các quy trình nuôi CCB, nhiều công ăn việc làm sẽ được tạo ra, có thể đem lại thu nhập cao cho người lao động. Về lâu dài, giải pháp này sẽ góp phần giảm bớt áp lực khai thác nguồn lợi cá san hô hoang dã, đồng thời sẽ phục hồi số lượng cá từ nguồn giống nhân tạo.
Nhìn về tương lai, PGS, TS Chu Văn Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo đề xuất, nước ta cần chú ý giảm khai thác tài nguyên vật chất, tập trung khai thác các giá trị dịch vụ, chức năng biển. Trước mắt, cần tìm "mạnh thường quân" cho việc nuôi cá rạn ở các vùng biển có san hô ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có một chương trình bảo vệ nguồn lợi CCB cấp quốc gia trước khi vấn đề khai thác quá mức dẫn đến hủy diệt loài sinh vật quý hiếm này. Tiềm năng của san hô và CCB, kết hợp với những thành công bước đầu trong nghiên cứu sinh sản nhân tạo CCB và các loại san hô nhen nhóm một nghề mới, đó là nghề nuôi trồng và kinh doanh CCB. Ði đôi với đẩy mạnh nuôi CCB nhân tạo, cần phục hồi các rạn san hô qua kỹ thuật trồng san hô nhân tạo. Hỗ trợ cho người dân hành nghề săn bắt cá cảnh chuyển sang nuôi cá và nuôi san hô phục vụ xuất khẩu. Ở các vùng biển ngoài khơi, có thể tổ chức đánh bắt hạn chế và sử dụng cơ sở vật chất nghề cá để bảo quản, hoặc xuất khẩu tại chỗ. Ðể nghề nuôi trồng và kinh doanh CCB gắn bó với bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch, các địa phương cần có giải pháp bảo đảm công ăn việc làm ổn định cho người dân làm nghề đánh bắt CCB, tiến tới hạn chế và xóa bỏ nghề đánh bắt CCB tùy tiện như hiện nay. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng vai trò tự quản của cộng đồng dân cư ven biển, chủ động xây dựng các quy định và phương thức quản lý phù hợp nhằm khai thác và sử dụng giá trị của rạn san hô cũng như là CCB theo hướng bền vững, đáp ứng lợi ích kinh tế hiện tại và bảo đảm tính ổn định lâu dài.