Khai thác tràn lan
Nghị định 26/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có quy định chi tiết về danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nhóm 1 và 2. Trong đó, 126 loài thủy sản nằm trong nhóm 1 và 60 loài thủy sản nằm trong nhóm 2... bị cấm khai thác với mục đích thương mại.
Quy định là vậy, song trên thực tế, nhiều loài nằm trong danh mục nguy cấp, quý hiếm như cá mặt quỷ, ốc đụn, ốc xà cừ, cua huỳnh đế, cua đá và rong mơ... vẫn đang bị đánh bắt và bày bán tràn lan trên thị trường. Thậm chí, các loại thủy sản này còn trở thành món ăn cao cấp, được nhiều thực khách săn đón tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh.
Theo chia sẻ của nhiều ngư dân, thông thường, ngư dân ít khi nắm rõ các loài thủy sản nào nằm trong danh mục nguy cấp hay quý hiếm. Từ trước đến nay, hầu hết ngư dân đều khai thác theo kiểu đánh trúng luồng cá nào, thì khai thác luồng cá đó. Thậm chí, nhiều ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn), huyện Lý Sơn khá ngỡ ngàng trước thông tin ốc đụn, ốc xà cừ, cá mặt quỷ... nằm trong danh mục thủy sản nguy cấp, quý hiếm nhóm 1. Bởi từ nhiều năm nay, đây là các loài thủy sản được ngư dân địa phương đánh bắt để bán cho thương lái và các nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách trên địa bàn.
Hoặc như thông tin rong mơ nằm trong danh mục 126 loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nhóm 1, chỉ được khai thác để bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế cũng là điều khá lạ lẫm với người dân các xã như Bình Châu, Bình Hải (Bình Sơn). Bởi khai thác rong mơ là hoạt động thường niên, mang lại sinh kế cho hàng trăm hộ dân. Kể cả khi Nghị định 26 có hiệu lực (từ ngày 25.4.2019), thì việc khai thác rong mơ vẫn còn diễn ra tại các địa phương này.
Tăng cường thông tin cho ngư dân
Cùng với Nghị định 26, Nghị định 42/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã đưa ra chế tài khá nghiêm khắc đối với các hành vi khai thác trái phép thủy sản thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm. Theo đó, với hành vi khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 2 mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị phạt từ 5 - 40 triệu đồng, nếu khối lượng thủy sản khai thác từ 10kg đến dưới 100kg. Còn đối với các loài thuộc nhóm 1, mức phạt trên sẽ nâng lên 40 - 100 triệu đồng.
Dù nằm trong danh mục thủy sản nguy cấp, quý hiếm, nhưng ốc xà cừ vẫn là "đặc sản" được bày bán công khai tại Lý Sơn.
Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Minh Đức cho biết: “Dù đã có quy định cụ thể, nhưng trên thực tế, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Bởi, nhân lực và phương tiện của ngành trong quản lý vấn đề này khá mỏng, còn số lượng tàu khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn toàn tỉnh lại lên đến hơn 5.000 tàu cá, nên không thể thường xuyên triển khai kiểm tra, “cân đo, đong đếm” từng loài thủy sản trên mỗi chiếc tàu”.
Còn theo chia sẻ của nhiều ngư dân, để hạn chế việc ngư dân đánh bắt “nhầm” cá nguy cấp, quý hiếm; các ngành chức năng cần công bố danh mục cấm rộng rãi về cơ sở, có hình ảnh minh họa kèm theo, để ngư dân dễ hình dung và không khai thác trái pháp luật.
Lan tỏa thông điệp bảo vệ thủy sản
Thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin ngưng ăn cá vẹt và tuyên truyền ngư dân ngừng đánh bắt loài cá này. Bởi đây là loài cá thuộc họ cá mó, chuyên ăn tảo biển, đặc biệt là san hô chết để thải ra cát mịn, giúp làm sạch những rạn san hô. Thông điệp liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường này nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Theo Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Minh Đức, thì sự chia sẻ này là rất cần thiết. Bởi mạng xã hội hiện đang là một trong những kênh tuyên truyền rất hiệu quả, vì khả năng tương tác với ngư dân, đặc biệt là ngư dân trẻ rất lớn.