Thu nhập cao
Chúng tôi để ý đến những chiếc rớ to, dài được cột chặt vào các gian nhà nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ông Trần Văn Mạo (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) - hộ nuôi cá có thâm niên ở đây cho biết, rớ dùng để bắt những loài cá tạp làm thức ăn cho cá chình. “Cá chình chúng tôi nuôi không thể cho ăn bằng bột thức ăn đóng gói có bán sẵn trên thị trường. Chúng kén ăn lắm, chỉ có thể ăn cá tươi sống thôi. Ngoài cá tạp bắt ở lòng hồ thủy điện, chúng tôi còn phải đặt hàng mua cá sống ở nhiều địa phương khác để có thể bố trí đủ thức ăn nuôi cá chình”, ông Mạo giải thích. Có thâm niên 7 năm nuôi cá, ông Mạo đã trải qua rất nhiều đối tượng thủy sản nuôi như cá điêu hồng, cá trê, cá lóc, ếch, cá trắm cỏ, cá mè. “Nuôi nhiều đối tượng thủy sản có lợi là có thể thay phiên bán chúng theo yêu cầu của người mua. Tuy nhiên cái khó lớn nhất là mình không thể xử lý hết các vấn đề đồng loạt xảy ra đối với nhiều loại thủy sản. Bởi vậy, khi nhận thấy có thể nuôi cá chình tôi đã chuyên chú đầu tư”, ông Mạo nói. Năm 2014, ông Mạo vào Nha Trang (Khánh Hòa) đặt mua cá chình giống đảm bảo chất lượng về nuôi thử nghiệm trong 1 lồng nuôi với mật độ 12 con/m2. “Cá chình nuôi 3 năm thì có thể xuất bán được. Tôi thu được 1 tấn cá, bán được 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 300 triệu đồng, rất phấn khởi”. Thử nghiệm thành công, ông Mạo hiện nuôi cá chình trong 6 lồng nuôi và rất kỳ vọng sẽ làm giàu với đối tượng thủy sản có giá bán đến 500 nghìn đồng/kg.
Ông Trần Thanh Tuân (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn) nuôi cá chình từ 5 năm nay ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ông Tuân cho biết, nguồn nước ở đây rất trong sạch, đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển tốt nếu biết chăm sóc chu đáo trong suốt quá trình nuôi. Vấn đề quan trọng nhất là cá giống. “Tôi chỉ tin tưởng cá chình giống được ương ở Khánh Hòa. Tôi chọn cỡ cá giống 6 con/kg, mua với giá 125 nghìn đồng/kg về nuôi. Nhìn chung cá phát triển tốt, đến nay chưa có sự cố nào xảy ra”, ông Tuân nói. Ở vụ xuất bán đầu tiên sau 3 năm nuôi cá, ông Tuân bán được 2 tấn cá, thu được 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi gần 700 triệu đồng. “Theo dự tính, còn 1 năm nữa là tôi sẽ xuất bán lứa cá chình thứ 2. Mô hình này rất hứa hẹn, tôi rất phấn khởi, túc trực 24/24 giờ để quán xuyến mọi công đoạn nuôi cá chình”, ông Tuân cho biết.
Tạo thuận lợi
Theo ông Khương Đình Thương - cán bộ phụ trách thủy sản của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, từ giá trị kinh tế cao thu được đã cho thấy hướng mở rất giàu tiềm năng, triển vọng của mô hình nuôi cá chình trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Cái khó lớn nhất là nuôi cá chình phải tốn đến 3 năm mới có thể xuất bán. Thứ nữa, vốn đầu tư nuôi cá chình rất lớn khi so sánh với các loại thủy sản khác. Ưu điểm vượt trội của nuôi cá chình là đặc sản quý hiếm, thị trường rất ưa chuộng, có giá bán rất cao, ít phải lo toan đầu ra bấp bênh. “Chúng tôi vận động các hộ nông dân chọn lựa nuôi cá chình thì phải tâm huyết, đầu tư kỹ càng, chăm sóc chu đáo. Đặc biệt, nông hộ nhất thiết phải xóa bỏ tập quán nóng vội, mau nhanh đến kỳ thu hoạch. Nếu cá có xảy ra sự cố thì phải chủ động xử lý, nếu cần thì liên hệ để chúng tôi hướng dẫn”, ông Thương nói. Ngoài 2 hộ nuôi cá chình kể trên có tiềm lực kinh tế đảm bảo, Phòng NN&PTNT Bắc Trà My tuyên truyền các nông hộ khác phối hợp chặt chẽ với nhau, thành lập tổ hợp tác nuôi cá chình để có thể thu được giá trị kinh tế cao đồng thời lại tiếp cận được cơ chế hỗ trợ của tỉnh về nuôi cá trong lồng bè.
Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, đang triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao nên rất khuyến khích nông hộ chuyên tâm đầu tư nuôi cá chình. Loài thủy sản này hứa hẹn sẽ phát triển rất mạnh ở những khu vực có nguồn nước ổn định và duy trì dòng chảy tốt. Theo ông Nghi, cá chình lúc nhỏ ăn các loài giáp xác phù du, khi lớn lên ăn tôm, cua nhỏ, côn trùng thuỷ sinh, ốc, cá. Thịt cá chình rất béo, ngon, dinh dưỡng cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Khi nuôi, nông hộ cần chọn cá chình giống có kích thước đồng đều, thân trơn liền, mặt lưng màu xanh lam, mặt bụng màu trắng, không bị xước, hoạt động mạnh. Khi thả cá giống để nuôi thương phẩm, nông hộ cần đem túi cá giống ngâm xuống nước chừng 5 phút để trung hoà nhiệt độ rồi mới thả cá ra từ từ. Cá chình không có vảy nên khi vận chuyển dễ bị xước nên cần tiến hành công tác triệt trùng một cách nghiêm ngặt. Cá chình khi đã bị bệnh rồi rất khó chữa trị nên biện pháp tốt nhất là phòng bệnh. Khi nuôi cá, nông hộ cần giữ mực nước ổn định, đảm bảo thức ăn đầy đủ, chất lượng, túc trực chăm sóc cá, chủ động xử lý tình huống.
Trong tự nhiên, cá chình là loài di cư ngược dòng sông. Mỗi năm vào mùa xuân, có nhiều cá chình con kết thành đàn lớn từ biển bơi vào cửa sông sau đó bơi ngược lên thượng nguồn, vào các sông, hồ, suối để vỗ béo cho đến tuổi trưởng thành. Lúc đó, cá chình hợp thành đàn lớn xuôi xuống các cửa sông rồi bơi ra đại dương để sinh sản. Hiện nay, việc sinh sản nhân tạo cá chình chưa được thực hiện ở Quảng Nam.