Dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều DN thủy sản phá sản
Trao đổi với PV Báo Điện tử Infonet bên lề Hội nghị thường niên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) ngày 12/6, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep cho biết, khó khăn về nguyên liệu, đặc biệt là thiếu vốn khiến nhiều DN thủy sản lao đao. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 DN trên tổng số 800 DN thủy sản bị “đổ vỡ”, trong đó dính đòn nặng nhất là các DN xuất khẩu cá tra. Hiện chỉ còn 20% DN cá tra tồn tại và phát triển bình thường, 80% DN trong tình trạng “hấp hối”.
Lý giải điều này, ông Hải cho rằng, nguyên nhân là do các nhà máy không những không tiếp cận được các nguồn tín dụng mà còn bị các ngân hàng thúc ép thu hồi nguồn vốn vay trước đó khiến các DN trong ngành tìm mọi cách bán hàng ra một cách nhanh nhất có thể như: một mình một chợ mà vẫn phải phá giá, ồ ạt chào bán với giá thấp ở hầu hết các thị trường để kịp đáo nợ. Hậu quả là cá tra nguyên liệu trong nước xuống tới mức nông dân không có lãi, DN muốn thu mua để chế biến nhưng lại chẳng có vốn. Bên cạnh đó, việc hàng loạt DN tuy được ngân hàng cho vay vốn nhưng lại dùng số vốn này đầu tư trái ngành nghề vào bất động sản, địa ốc… khiến ngân hàng quay lưng.
Tuy nhiên, theo Vasep, con số trên không phản ánh sự suy sụp của ngành thủy sản, thậm chí còn coi đây là cơ hội để cơ cấu lại ngành thủy sản. Bởi số DN không còn tham gia xuất khẩu (XK) trong giai đoạn này phần lớn là những DN thương mại có doanh số XK thấp nên chỉ làm giảm 5% giá trị XK so với cùng kỳ năm ngoái. Những DN có nhà máy chế biến, có vùng nuôi hoặc có quy trình sản xuất khép kín vẫn giữ được mức tăng trưởng XK khả quan so với năm trước. Dự báo từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều DN phá sản, đó là những DN yếu kém và chỉ họat động vì lợi ích trước mắt.
Về thị trường XK trong những tháng tiếp theo cũng được dự báo rất khó khăn. Hiện các nhà nhập khẩu cá tra tại Châu Âu đã và đang khá thận trọng khi nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Họ không dám nhập khẩu ồ ạt và dự trữ nhiều như những năm trước do ngân hàng tại các nước trong khối EU đang thận trọng với các khoản vay của nhà đầu tư để kinh doanh, trong khi DN XK cá tra Việt Nam lại ít cho mua nợ như mọi năm.
“Việc 1 hoặc 2 hãng xếp hạng tín dụng hạ điểm của một nền kinh tế sẽ khiến các thể chế tài chính thắt chặt điều kiện cho vay. Điều này sẽ càng làm căng thẳng thị trường tài chính Châu Âu vốn đang thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và gia tăng sự lo ngại trong giới đầu tư. Vì vậy, XK cá tra sang thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong các tháng còn lại nằm trong dự báo cũng ít tiến triển như nền kinh tế của các nước này”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho hay.
Trước tình hình này, Vasep đã nhờ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nghiên cứu giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành cá tra Việt Nam thông qua 2 gói hỗ trợ vốn cho DN để thu mua và tiếp tục nuôi cá tra nguyên liệu. Đối tượng được ưu tiên là các DN có nhà máy chế biến cá tra XK để tiếp tục sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân, đồng thời gián tiếp cứu người nuôi cá. Ước tính cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Do đó, Hiệp hội đề nghị VDB hỗ trợ các DN có hợp đồng XK thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến độ thu mua.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ đã giao cho Vụ Xuất nhập khẩu trình công văn lên Chính phủ và sẽ trả lời DN trong thời gian sớm nhất.