Hiện nay, anh Trần Văn Minh ở TDP Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà là hộ nuôi trồng thủy sản duy nhất ở huyện Lộc Hà có tôm loại lớn (54 con/kg) xuất bán. Để có được mẻ tôm 5 tháng này, ngoài việc áp dụng KHKT, nuôi bể xi măng trong nhà lưới thì việc dự báo thị trường tốt và dám chấp nhận rủi ro cũng là yếu tố mang đến thành công cho anh Minh.
Anh Trần Văn Minh phấn khởi: Nhận định nhu cầu thị trường sau tết lớn nhưng nguồn cung khan hiếm vì nhiều hộ nuôi trong vùng thất bại nên tôi đã quyết định “găm hàng” chờ giá. Hiện nay, tôi có 4 bể xuất bán loại 54 con/kg (sản lượng khoảng 8 tạ) với mức giá 300 nghìn đồng/kg tại hồ. Đây là mức giá cao nhất trong mấy năm gần đây (cao hơn 2 lần so với thời điểm xuất bán từ tháng 5 - tháng 9/2022 và cao hơn 120 nghìn đồng/kg so với kỳ 2022).
Tôm trong nhà của anh Trần Văn Minh (thị trấn Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xuất bán với giá rất cao, cho lãi khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: baohatinh.vn
Vì nuôi bán thâm canh ở ao đất, tôm chậm lớn nên 2 ngày nay, anh Phan Hưng - hộ nuôi tôm ở vùng Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) quyết định xuất bán để chuẩn bị ao hồ cho vụ nuôi hè thu sắp tới và thu hồi vốn khi giá tôm thương phẩm đạt cao.
Tuy tôm mới đạt trọng lượng 100 con/kg sau hơn 4 tháng nuôi nhưng anh đã “hét” bán với giá 240 nghìn đồng/kg tại hồ. Nhờ mức giá này, anh thoát lỗ dù chỉ được 1 tấn/3 hồ nuôi rộng 2 ha (bằng 1/3 sản lượng dự kiến ban đầu).
Vụ đông năm nay, các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trọng điểm ở Hà Tĩnh như: Kỳ Hà (TX Kỳ Anh); Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên); Thạch Long, Thạch Sơn, Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà); Hộ Độ, thị trấn Lộc Hà, Mai Phụ (Lộc Hà); Cương Gián, Đan Trường, Xuân Thành (Nghi Xuân)... đều thất bại. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh nhiều, tôm chậm lớn hoặc bị chết đồng loạt lúc còn nhỏ.
Hiện nay, hầu hết ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong toàn tỉnh bỏ không hoặc đang cải tạo, diện tích thực nuôi chỉ chiếm khoảng 10% (tổng 1.600 ha) nhưng tôm chưa đến kỳ xuất bán nên không có nguồn cung cho thị trường.
Nguyên nhân nguồn cung khan hiếm là do dịch bệnh nhiều, thời tiết bất thuận, tôm bị chết. (Người dân gom tôm chết ở xã Thạch Sơn). Ảnh: baohatinh.vn
Anh Nguyễn Doãn Bản – hộ nuôi tôm ở vùng Hà Lầm, xã Thạch Sơn (Thạch Hà) thông tin: “Vụ đông này, không chỉ có 3 ao nuôi của tôi mà hàng chục hộ ở vùng nuôi trồng thủy sản rộng gần 50 ha quanh đây không nhà nào nuôi thành công.
Hiện, một số hộ đang tranh thủ nắng ráo tận thu tôm sót, vét hồ... để bán tôm giá cao nhưng cũng chỉ được 5 – 10 kg/hộ. Thường xuyên có người hỏi mua tôm nhưng không có bán nên ai cũng tiếc”.
Những ngày sau tết, các khu chợ ở Hà Tĩnh gần như không có tôm tươi. Ảnh: baohatinh.vn
Nguồn cung khan hiếm nên tôm tươi bán ở các chợ dân như: chợ Trại ở xã Hộ Độ, chợ Cồn ở xã Thạch Mỹ, chợ Phủ ở xã Thạch Châu, chợ huyện ở xã Bình An (Lộc Hà); chợ Nghèn ở thị trấn Nghèn (Can Lộc), chợ Thạch Hà (thị trấn Thạch Hà), chợ Thạch Sơn (huyện Thạch Hà), chợ thành phố Hà Tĩnh, chợ Vườn Ươm (thành phố Hà Tĩnh), chợ Hội ở thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên)... rất ít, thậm chí là vắng bóng.
Anh Nguyễn Văn Huệ ở thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) là đầu mối chuyên cung cấp tôm tươi thông tin: “Giá tôm tươi hiện nay rất cao, tất cả các loại đều cao hơn cùng thời điểm này năm ngoái khoảng 90 - 120 nghìn đồng/kg nhưng nguồn hàng vẫn rất nhỏ giọt. Bình thường mỗi ngày, chúng tôi bán khoảng 1,5 – 2 tạ tôm tươi nhưng nay chỉ có 2 - 3 yến. Dự báo những ngày Rằm tháng Giêng tới đây, nhu cầu thị trường tiếp tục tăng cao, giá sẽ đắt hơn nữa”.