Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
“Quá 5% trong tổng số 60 lô hàng được kiểm tra”, tức là chỉ cần thêm 4 lô hàng nữa bị phát hiện có dư lượng Ethoxyquin, là tôm Việt Nam có thể bị đóng cửa vào thị trường Nhật Bản. Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Cty CP Thuận Phước (Đà Nẵng), than thở: “Nhật Bản đang là thị trường số 1 của tôm Việt Nam. Trong khi các thị trường EU, Mỹ… đang bị suy thoái, thì thị trường Nhật Bản lại càng quan trọng hơn với DN Việt Nam. Không bán tôm cho Nhật Bản thì bán cho ai? Nhưng đặt bút ký xong rồi thì chúng tôi… đau bao tử vì sợ hàng sang đến nơi lại bị trả về. Hàng đi Nhật phần nhiều là sản phẩm giá trị gia tăng như tôm tẩm bột, sushi… Nếu phải mang trở về nước thì có đem cho, các bà nội trợ cũng không cần”.
Trước tình thế đó, Bộ NN-PTNT vừa chỉ đạo nhiều đơn vị trực thuộc và đề nghị các Hiệp hội liên quan cùng khẩn trương tham gia thực hiện những công việc cần thiết nhằm tránh cho tôm Việt Nam bị nâng tần suất kiểm tra và nhất là bị cấm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Theo đó, Tổng cục Thủy sản phải kiểm tra, rà soát ngay danh mục thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin (cả thức ăn sản xuất trong nước và thức ăn nhập khẩu), và báo cáo Bộ trước ngày 15/8/2012.
Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các Sở NN-PTNT, phổ biến tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản, quy định của Nhật Bản về Ethoxyquin, qua đó hướng dẫn các cơ sở nuôi thủy sản ngừng sử dụng thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin trong thời gian tối đa có thể đáp ứng được quy định của Nhật Bản. Tổng cục Thủy sản cũng phải cập nhật các quy định quốc tế và trình Bộ ban hành quy định về kiểm soát việc sử dụng phụ gia trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), được Bộ NN-PTNT chỉ đạo phải phổ biến, hướng dẫn các DN chế biến thủy sản có biện pháp kiểm soát Ethoxyquin phù hợp nhằm đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu. NAFIQAD phải hoàn thiện phương pháp phân tích Ethoxyquin trong sản phẩm thủy sản để phổ biến, thống nhất áp dụng trong kiểm tra các lô hàng thủy sản XK tại các đơn vị trực thuộc và hoạt động tự kiểm soát của các DN, đồng thời làm việc và đề nghị Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản rà soát, sửa đổi quy định về giới hạn cho phép của Ethoxyquin trong thực phẩm thủy sản dựa trên đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm.
Với VASEP, Bộ NN-PTNT đề nghị Hiệp hội này phổ biến, hướng dẫn các DN chế biến thủy sản chủ động bổ sung các biện pháp kiểm soát Ethoxyquin vào chương trình quản lý chất lượng của DN nhằm đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Đồng thời VASEP cần phối hợp với Hiệp hội nhập khẩu thủy sản Nhật Bản có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan của Nhật Bản, xem xét sửa đổi về mức giới hạn tối đa cho phép đối với hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm thủy sản, dựa trên đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm và phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn với Hội Nghề cá Việt Nam, Bộ NN-PTNT đề nghị Hội này phổ biến, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện biện pháp kiểm soát việc sử dụng thức ăn thủy sản trong quá trình nuôi nhằm đảm bảo không để tồn dư Ethoxyquin trong sản phẩm thủy sản.